Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013


Động mạch phổi bị tắc một phần hay hoàn toàn của một trong các nhánh của nó, hay gặp nhất là do một cục máu đông gây nên gọi là nghẽn mạch phổi. Bệnh thường xảy ra nhưng chẩn đoán vẫn khó, do biểu hiện đa dạng và do tính chất không đặc hiệu của các triệu chứng. Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong tới 40%.
Nguồn gốc gây nghẽn mạch phổi là gì ?
Nghẽn mạch phổi xảy ra khi có một cục máu đông di chuyển theo sự lưu thông của máu trong cơ thể, rồi ngưng lại ở một động mạch phổi và làm nghẽn mạch. Có khi có nhiều cục máu đông đồng thời làm nghẽn nhiều điểm của nhiều mạch máu khác nhau ở phổi. Mức độ nghẽn mạch phổi rất khác nhau, từ nhẹ tới nặng. Có những trường hợp người bệnh không hề nhận thấy, nhưng lại có trường hợp gây đột tử cho bệnh nhân. Theo các nghiên cứu, trên 90% trường hợp do các cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu chi dưới gây nghẽn mạch phổi. Chủ yếu các cục huyết khối xuất phát từ bắp chân, trong đó khoảng 80% các cục máu đông này sẽ tự tan biến mà không gây biến chứng làm nghẽn mạch phổi, nhưng 20% cục máu đông còn lại có thể di chuyển đến các tĩnh mạch chậu đùi, rồi bị vỡ nhỏ di chuyển lên tĩnh mạch chủ dưới và sau cùng lên phổi. Người ta nhận thấy, 1/3 – 1/2 số bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu đùi chậu có biểu hiện nghẽn mạch phổi.
Huyết khối gây nghẽn mạch phổi.
Nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh nghẽn mạch phổi là: phụ nữ có tiền sử đẻ khó hoặc vừa mới trải qua phẫu thuật phụ khoa; dịch ối do biến chứng thai nghén, khi đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, người sử dụng ma túy bằng đường tĩnh mạch; trên 1/3 bệnh nhân nghẽn mạch phổi được xác nhận có huyết khối tĩnh mạch sâu bắp chân; người béo phì, người cao tuổi, người bị giãn tĩnh mạch hoặc đã có lần bị nghẽn mạch phổi (rất dễ bị tái phát);  người vừa bị gãy chân, phải bó bột.
Dấu hiệu nghẽn mạch phổi như thế nào?
Các biểu hiện chủ yếu của nghẽn mạch phổi là: đau ngực và khó thở gặp trong hơn 80% các trường hợp. Nhóm ba triệu chứng đau ngực, khó thở và ho ra máu thì thấy ở 15%  số người bệnh. Lo âu xảy ra ở 60% bệnh nhân. Bệnh nhân bị xâm xoàng (lipothymie) hoặc ngất xỉu có thể là triệu chứng khởi đầu. Tuy nhiên, các dấu hiệu này có giá trị khi kết hợp với các trường hợp: tiền căn huyết khối tĩnh mạch chi dưới, vùng chậu; mới can thiệp ngoại khoa, sản phụ khoa, bệnh tim, ung thư, nằm liệt giường, nhiễm khuẩn… Người trẻ với tiền sử cá nhân và gia đình có những tai biến huyết khối, nghẽn mạch tái diễn, biến dị gen mã hóa facteur V de Leiden…
Tuy viêm tĩnh mạch chi dưới là nguyên nhân của 90% các trường hợp nghẽn mạch phổi, nhưng chỉ tìm thấy khoảng trên 30%  trường hợp.
Thể nhẹ, bệnh nhân có biểu hiện tim nhịp nhanh, nhịp thở nhanh, sốt muộn, xanh tái nhẹ là những dấu hiệu thường gặp và tương phản với dấu hiệu thăm khám phế mạc, phổi bình thường.
Thể nặng, các triệu chứng học có thể trầm trọng, bệnh nhân bị suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính: nhịp thở nhanh, xanh tái, cánh mũi phập phồng, mạch yếu và nhanh, sụt huyết áp, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi, thiểu hoặc vô niệu, rối loạn tri giác. Tim nhịp nhanh, tiếng vang của B2 phổi, tiếng ngựa phi, gan to đau, phản hồi gan – tĩnh mạch cổ dương tính.
Thể bệnh không điển hình giả động mạch vành hay giả viêm màng ngoài tim, thể nhẹ, nhất là ở người bị bệnh tim hay suy hô hấp cũng thường gặp.
Xử trí và điều trị
Nếu bệnh nhân hoặc người nhà thấy có những dấu hiệu nghi ngờ bị nghẽn mạch phổi cần gọi ngay xe cấp cứu. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu, người bệnh phải nằm im, tránh cử động chân hoặc ngồi dậy, vì như thế có thể gây nghẽn mạch ở các điểm khác nữa. Nếu có điều kiện (bác sĩ đến nhà) thì tại nhà bệnh nhân cần được cho thở ôxy, làm điện tâm đồ, thuốc giảm đau, tiêm tức thời héparine bằng đường tĩnh mạch khi có chẩn đoán gần như chắc chắn. Vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe cứu thương để đảm bảo hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân phải nhập viện để được theo dõi bệnh. Cần chụp Xquang phổi và các động mạch phổi. Trường hợp nặng, bệnh nhân cần phải thở ôxy nguyên chất, uống thuốc làm tan những cục máu đông. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân vẫn cần phải nằm lại bệnh viện để chụp phổi và các động mạch, làm điện tâm đồ, siêu âm có thể phát hiện được cục máu đông được hình thành ở chân nào và đã gây ra tắc nghẽn từ đâu. Tiêm thuốc chống đông máu héparine trong vài ngày sẽ làm cho cục máu đông trong máu bị tan và máu lại lưu thông trong các động mạch phổi. Siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định nghẽn mạch đã hết. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn cần phải uống thuốc chống đông máu (kháng vitamin K) ít nhất là 6 tháng. Sau khi hết nghẽn mạch, bệnh nhân vẫn cần được xét nghiệm máu để tìm  nguyên nhân gây nghẽn mạch phổi. Nếu có biểu hiện bất thường ở máu do di truyền, bệnh nhân cần phải uống thuốc đề phòng bệnh trong thời gian lâu dài. Nghẽn mạch phổi có thể do nguyên nhân từ một căn bệnh như thiếu hồng huyết cầu, bệnh ung thư… Nếu đã dùng thuốc chống đông máu mà vẫn bị nghẽn mạch phổi, có thể phải phẫu thuật để đặt thiết bị lọc vào tĩnh mạch chủ bụng của bệnh nhân, qua đường tĩnh mạch ở cánh tay, ở cổ hoặc ở nếp háng. Ở tuyến điều trị cao, người ta có thể sử dụng các kỹ thuật hiện đại như điện tâm đồ liên tục, siêu âm tim, khí huyết động mạch, chụp xạ đồ phổi, thông tim…

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -