Hiển thị các bài đăng có nhãn viêm da. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn viêm da. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

(SKDS) -  Viêm da do cây cỏ và ánh sáng  (còn gọi là “viêm da Berloque”) là một viêm da nhiễm độc ánh sáng do người bệnh “tiếp xúc” với những thực vật (cây cỏ) nhạy cảm ánh sáng kết hợp tia cực tím có bước sóng dài (UVA 320-380 m). Nguyên nhân là do trong các loài cây cỏ này có chứa chất tăng nhậy cảm ánh sáng (thúc đẩy cơ thể hấp thụ tia cực tím trong ánh sáng mà phát bệnh.

Một vài đặc điểm
 Tỉ lệ mắc bệnh chung là không rõ. Do furocoumarins được tìm thấy ở nhiều thực vật hoang dã và trong nước nên có thể nhiều người đã bị phơi nhiễm.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng, tuy nhiên cần lưu ý là ở trẻ nhỏ do biểu hiện trên da giống như vết bầm tím có dạng dấu vân tay hoặc ngón tay nên có thể bị nhầm lẫn với lạm dụng trẻ em.
Biểu hiện thế nào?
Bệnh có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm da cơ địa hoặc bỏng do hóa chất.
Viêm da do cây cỏ và ánh sáng có thể được chia thành 4 nhóm dựa trên cơ chế tác động của từng loại: viêm da dạng mày đay, viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da nhiễm độc ánh sáng.
 Khởi phát bệnh rất bất ngờ. Sau khi ăn hoặc tiếp xúc với một số loại rau như mùi tây, cần tây, rau cải, rau dền, rau cải dầu, rau chân vịt hoặc uống một số thuốc đông y như kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, bổ cốt chi... lại tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thấy xuất hiện viêm da.
Người mắc bệnh chủ yếu là nam, nữ thanh niên. Trẻ em ít khi mắc.
 Biểu hiện điển hình là đầu tiên thấy ngứa ngáy, khó chịu, sau đó ở những vùng hở như mặt, mu tay xuất hiện các ban đỏ bỏng rát. Các ban đỏ thường xuất hiện dần dần, chậm rãi (sau khoảng 24 giờ và đạt đỉnh vào khoảng 48-72 giờ). Các ban đỏ có thể ở mi mắt làm mắt không mở được, ở xung quanh miệng làm miệng khó há.
Từ các ban đỏ sẽ hình thành bọng nước, phỏng dộp, dần dần hoại tử. Sau một thời gian sẽ khô lại, bong vảy da.
Vị trí tổn thương: Phần lớn xảy ra ở vùng hở (thường là mu tay, cánh tay, mu chân, mặt) hoặc bất kì chỗ nào, nơi tiếp xúc với furocoumarins và vùng phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời.
 Hình dáng tổn thương: thường có hình ziczac hoặc thành vệt, thành dải. Đến giai đoạn muộn, sự xuất hiện tăng sắc tố theo hình dạng trên có thể là chứng cứ để chẩn đoán phytophotodermatitis.
Tiến triển: Nếu nhẹ, tổn thương thường ở mặt, khoảng 1 tuần thì khỏi. Nếu nặng, tổn thương có thể gặp ở nhiều nơi như cổ, chi trên, mu bàn tay...và phải 2-3 tuần, có khi lâu hơn mới khỏi.

 Umbelliferae là loại cây dễ gây bệnh.
Nguyên nhân
Loài cây phổ biến nhất gây phytophotodermatitis là họ cây Umbelliferae. Ngoài ra còn các loại thực vật khác là Rutaceae, họ Dâu tằm và Leguninosa.
 Các các chất làm tăng nhạy cảm ánh sáng chính được tìm thấy trong các loài thực vật này là furocoumarins bao gồm psoralens và 5-methoxypsoralens (5 MOP), 8-methoxypsoralens (8 MOP), angelicin, bergaptol và xanthotal.
Các loại thực vật tăng nhạy cảm với ánh sáng thường gặp là mùi tây (Cymopteris watsonii), parsnips (Pastinaca sativa), cần tây (Apium graveolens), và/hoặc cà rốt (Daucus carota), chanh, quýt, cam Bergamot, rau cải, rau dền, rau cải dầu, rau chân vịt, kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, bổ cốt chi...
Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè khi hàm lượng  furocoumarins cao nhất trong các cây cỏ và là thời gian người bệnh bị phơi nhiễm cao nhất với tia cực tím.
Chẩn đoán
 Chẩn đoán xác định: chủ yếu dựa vào lâm sàng
Chẩn đoán phân biệt: Viêm da tiếp xúc dị ứng; Viêm da tiếp xúc kích ứng; Bệnh bọng nước do thuốc; Herpes simplex; Sứa đốt; Porphiria Cutanee tarda; Bỏng nhiệt.
Điều trị
 Bệnh có thể hết nếu loại bỏ các yếu tố gây bệnh. Bệnh nhân nên tránh các cây cỏ có chứa furocoumarins
Tại chỗ.  Tổn thương cấp tính: đắp bằng gạc ướt, dung dịch nước muối sinh lí 9%0, dung dịch Jarish, thuốc làm dịu da và sát khuẩn. Nếu tổn thương nặng và phù nề, có thể bôi bằng thuốc có corticoid.

 Toàn thân. Kháng histamin nếu nặng, corticoid liều 10-20mg. Dùng kem chống nắng tia UV-A giúp ngăn chặn phản ứng phototoxic khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Viêm da tiếp xúc (VDTX) là phản ứng viêm da do tương tác giữa da và tác nhân tiếp xúc bên ngoài. Tỷ lệ bệnh VDTX khác nhau giữa các vùng địa lý, thời gian trong năm, giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi của bệnh nhân. Tại Việt Nam, bệnh VDTX chưa được thống kê đầy đủ, nhưng đây là một bệnh da hay gặp và có xu hướng ngày càng tăng.

 Các yếu tố ảnh hưởng
- Nồng độ chất tiếp xúc, cách thức tiếp xúc, thời gian, vị trí tiếp xúc.
- Tuổi của bệnh nhân: tuổi nhỏ dễ bị ảnh hưởng hơn.
- Các bệnh kèm theo.
- Yếu tố môi trường như nóng ẩm, tăng tiết mồ hôi.
Có 2 loại VDTX gồm: VDTX kích ứng và VDTX dị ứng.


Biểu hiện lâm sàng
VDTX kích ứng
- Loại này chiếm tới 80%, và gây tổn thương cho hầu hết những ai tiếp xúc với chất đó. Ví dụ: viêm da tiếp xúc kích ứng do phấn côn trùng, do acid, kiềm.
- Có trên 2800 chất gây kích ứng.
- Diễn biến bệnh có thể có 2 loại: cấp tính và mạn tính.
VDTX kích ứng cấp tính
- Xảy ra do tiếp xúc với hóa chất mạnh như acid và kiềm.
- Xuất hiện trong vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc.
- Biểu hiện nhẹ: cảm giác châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc mày đay thoáng qua.
- Biểu hiện nặng: đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử.
- Giới hạn rất rõ, khu trú đúng ở nơi da tiếp xúc với chất kích ứng.
- Bệnh khỏi nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần.
VDTX kích ứng mạn tính (hay còn gọi là VDTX kích ứng tích lũy). Đây là loại rất thường gặp.
Bệnh xuất hiện khi tiếp xúc nhiều lần, trong thời gian dài vài tuần, vài tháng, có thể vài năm tiếp xúc với chất kích ứng có nồng độ thấp như xà phòng, dầu gội, chất tẩy rửa …
Các yếu tố thuận lợi: cọ sát, sang chấn, ẩm ướt, v.v…
Biểu hiện da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, ngứa, lichen hóa;
Giới hạn của tổn thương da không rõ với da lành.
Viêm da bàn tay hay gặp ở nữ hơn do tiếp xúc với các chất kích ứng là xà phòng, chất tẩy rửa, đồ ăn… khi làm công việc nội trợ.
Viêm da tiếp xúc dị ứng
- Xảy ra ở những người đã có tiếp xúc với dị nguyên trước đó, có thể vài tuần, vài tháng, hoặc vài năm. Lúc đầu việc tiếp xúc này không gây ra triệu chứng gì, nhưng dần dần khi tiếp xúc nhiều lần sẽ gây tổn thương cho da.
- Xuất hiện muộn, thường sau khi tiếp xúc với dị nguyên 48-72 giờ.
- Biểu hiện lâm sàng:
• Cấp tính: ngứa, đỏ, phù, mụn nước, và tổn thương lan tỏa vượt quá vùng tiếp xúc.
• Mạn tính: ngứa, đỏ, trợt da, bong vảy, lichen hóa, giống VDTX kích ứng mạn tính.
Các tác nhân tiếp xúc
Các chất kiềm, axít, chất tẩy rửa, chất bảo quản, chất khử mùi…hay gây VDTX kích ứng.
- Kiềm: Có trong xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa.
Chất kiềm có khả năng xuyên thấm và phá huỷ sâu do làm tan chất sừng.
Viêm da bàn tay ở các bà nội trợ, công nhân nhà máy xà phòng hay do chất kiềm gây ra.
- Acid sulfuric, acid nitric, acid oxalic, acid chloric... gây VDTX nghề nghiệp
- Kim loại: đồng, thủy ngân, nickel, bạc, kẽm… VDTX dị ứng do kim loại hay gặp nhất là do nickel có ở đồ bằng kim loại như: dây đeo đồng hồ, cúc, khóa móc quần, thắt lưng…
- Các chất khác: bromine, chlorine, iodine, bụi kẽm, bụi vôi, bụi gỗ, bụi thuốc lá, potassium dichlomate trong thuộc da, xi măng…
- Các dung môi hoà tan chất dầu, dầu bôi trơn, dầu cắt công nghiệp…
- Dung môi bay hơi gây VDTX ở mũi, miệng, mặt, vùng da hở.
- Hương liệu, chất bảo quản có trong mỹ phẩm;
- P-phenylenediamine trong chất nhuộm tóc;
- Formaldehyde trong nhựa dán;
- Carbamix, thiramix, mercaptomix trong cao su tổng hợp;
- Thuốc bôi; hoá chất trừ sâu; nhựa cây; hoa, phấn hoa; quần áo…
- Một số hoạt chất gây VDTX do làm tăng nhạy cảm của da khi có sự tác động của ánh sáng mặt trời như Sulfonamide, Phenothiazine, Paraaminobenzoic acid, oxybenzone, 6-methyl coumarine.


 Hình ảnh viêm da do quai dép
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định dựa vào
- Lâm sàng: hình thái, cách sắp xếp và sự phân bố tổn thương ở các vị trí gợi ý cho chẩn đoán.
- Tiền sử cá nhân, đặc biệt là tiền sử các bệnh viêm da trước đó.
- Nghề nghiệp, sở thích, sử dụng mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng cá nhân, môi trường nhà ở, thuốc bôi...
Chẩn đoán nguyên nhân, sử dụng các loại test sau đây:
-  Test kích thích:
Để xác định xem bệnh nhân có nhạy cảm với chất tiếp xúc không. Thường bôi chất nghi ngờ vào da ở mặt trong cẳng tay, ngày vài lần trong 7 ngày. Test này được áp dụng cả ở tuyến y tế cộng đồng để xác định nguyên nhân gây VDTX.
- Test áp dùng để chẩn đoán xác định căn nguyên gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Loại test áp này chỉ thực hiện được ở các cơ sở có điều kiện xét nghiệm chuyên khoa.
Điều cần lưu ý là rất nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc kích ứng cần phải được phân biệt với bệnh Zona. Sự khác biệt cơ bản ở chỗ bệnh Zona thường hay xuất hiện các mụn nước, bọng nước chỉ ở một vùng da chịu sự chi phối của dây thần kinh ngoại biên và chỉ giới hạn ở một bên của cơ thể. Bệnh nhân thường bị đau nhiều, đau sâu và rộng hơn vùng da có tổn thương. Trong khi đó, bệnh VDTX kích ứng thì tổn thương da xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc và bệnh nhân thường chỉ có cảm giác rát bỏng nông trên bề mặt da bị tổn thương.
Việc phân định rõ ràng hai loại bệnh này rất quan trọng giúp định hướng điều trị đúng để tránh được việc điều trị nhầm rất hay gặp, nhất là tại các nhà thuốc/quầy thuốc, đó là dùng thuốc điều trị Zona cho trường hợp bị VDTX, gây việc sử dụng thuốc không cần thiết, lãng phí và kéo dài thời gian điều trị. Đồng thời, việc xác định đúng bệnh nhân bị bệnh Zona cũng giúp cho điều trị sớm tránh được những di chứng đau sau Zona, đặc biệt đối với người lớn tuổi.
Điều trị
- Ngừng ngay tiếp xúc với các tác nhân nghi ngờ. Nếu đã biết tác nhân gây bệnh thì loại bỏ các chất còn dư thừa trên da bằng cách rửa nước hoặc dùng các chất trung hoà, nhất là đối với trường hợp VDTX kích ứng do các hoá chất mạnh.
- Đắp dung dịch Jarish, nước muối sinh lý, nước thuốc tím loãng, nước lá khế vô khuẩn đối với trường hợp có tiết dịch, sưng nề nhiều.
- Thuốc bôi như Hồ nước, hồ Tetrapred, hoặc các loại kem có corticoid như: hydrocortisol, eumovate, locatop, beprosone, temprosone....
- Trường hợp nặng: Bệnh nhân có thể phải nằm viện điều trị.
Phòng bệnh
- Loại bỏ các chất tiếp xúc gây bệnh đã biết.
- Hạn chế dùng xà phòng, chất tẩy rửa; tránh tắm rửa quá mức để giữ lớp bảo vệ tự nhiên của da.
- Dùng kem bảo vệ thích hợp  trong các môi trường làm việc có tác nhân dễ gây VDTX.
- Thường xuyên bôi kem làm ẩm, nhất là sau khi làm việc để chống nứt, khô da, tránh sự xâm nhập của các chất kích ứng, có thể dùng các loại dầu thực vật, mỡ có sẵn tại gia đình.
- Dùng găng thích hợp khi làm việc trong môi trường có chất kích ứng để không cho hóa chất hay dung môi xuyên thấm vào da.
- Tư vấn nghề nghiệp thích hợp nhất là những trường hợp bị VDTX do nghề nghiệp.
- Có thể thử sự kích ứng/dị ứng của da đối với sản phẩm định dùng bằng cách bôi vào da ở mặt trong cẳng tay, dưới cằm hoặc lưng ngày 2 lần trong 7 ngày, nếu da không có phản ứng gì thì có thể dùng sản phẩm đó được.

Thời tiết nắng nóng đột ngột khiến cho số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh ngoài da tăng đột biến. Mới đầu mùa hè mà Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) hằng ngày đã phải tiếp rất nhiều bệnh nhân đến khám với triệu chứng mẩn ngứa khắp người. Và nguyên nhân lại là…

Vào viện chỉ vì … gãi
BS. Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, viêm da thần kinh đến khám chữa bệnh thời gian này tăng đáng kể. Nguyên nhân chính là do thời tiết trong giai đoạn giao mùa, nắng nóng xảy ra đột ngột, cường độ ánh nắng mạnh, cơ thể ra nhiều mồ hôi nên các bệnh mạn tính ngoài da thường bị nặng lên rõ rệt.
Đáng nói, một số trường hợp đến thăm khám bị ngứa “đóng cục”, vết cũ chưa khỏi thì vết mới đã xuất hiện. Những bệnh nhân này thường làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, không kiêng kỵ được dẫn đến tổn thương kéo dài. Anh Nguyễn T.L, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) 5 ngày hôm nay, bị ngứa ở cổ, phần bụng gần bẹn. Theo thói quen, ngứa thì gãi, các vết ngứa rộng dần, tưởng gan bị nóng, anh L. uống thuốc mát gan, bột sắn, uống thuốc đông y mà cũng không khỏi. Cuối cùng, anh tìm đến Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai). Ở đây, anh được chẩn đoán là bị viêm da thần kinh.
Trường hợp ông Trịnh Văn T. ở Định Công, Hà Nội cũng vậy. Ông kể không hiểu sao cứ đến mùa hè là bị ngứa khắp người, đặc biệt là khuỷu tay, phía dưới đùi và các vùng bị cọ xát. Ban đầu ông tự ý đi mua thuốc về uống, bôi, nhưng không đỡ, các nốt xuất hiện chồng lên nhau và vết ngứa đã đóng thành mảng. Do công việc phải tiếp xúc thường xuyên với nước, không giữ vệ sinh sạch sẽ nên mỗi ngày ông lại bị ngứa thêm. Ông T. đến Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng khám khi vết ngứa đã sần sùi, lở loét.

Vì sao lại bị viêm da?
BS. Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, da là một cơ quan đặc biệt, bao phủ hầu hết bề mặt của cơ thể và tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống nên rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Các bệnh lý viêm da không do nhiễm khuẩn (còn được gọi là chàm  hoặc eczema) là một trong những biểu hiện bệnh lý ở da thường gặp nhất. Đây là một nhóm gồm nhiều loại bệnh với các nguyên nhân khác nhau, đặc trưng bởi tình trạng viêm nông trên bề mặt của da, gây ra các biểu hiện ngứa, nề đỏ, nổi mụn nước, khi vỡ gây tiết dịch và đóng vảy. Các dạng viêm da hay gặp nhất là viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da dầu, viêm da thần kinh, tổ đỉa và đỏ da toàn thân. Biến chứng thường gặp nhất của tất cả các thể viêm da này là dày da do gãi nhiều và nhiễm trùng tại các vết trợt loét do vệ sinh kém. Về nguyên nhân, viêm da chính là một phản ứng của da trước các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, các sang chấn cơ học và hóa học trên da hoặc các loại kháng nguyên gây dị ứng cho da.
Mặc dù các bệnh viêm da không do nhiễm khuẩn đều không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và không lây lan nhưng thường diễn biến rất dai dẳng và gây ra khá nhiều phiền toái cho người bệnh.
Viêm da thần kinh gây ra do tình trạng gãi hoặc chà xát kéo dài tại một vị trí. Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 20 - 50. Nguyên nhân đầu tiên gây ngứa thường do viêm da tiếp xúc, nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng, nhưng sau khi nguyên nhân đã được giải quyết, người bệnh vẫn tiếp tục gãi ở vị trí cũ (có thể do yếu tố tâm lý). Bản thân động tác gãi có thể làm ngứa tăng lên và càng thúc đẩy người bệnh gãi, hậu quả là làm cho vùng da tại chỗ trở nên dày và nâu sạm (liken hóa). Những đám da này có ranh giới tương đối rõ, thường nằm ở da đầu, cổ, cổ tay, vai, cánh tay và cổ chân.
 Hạn chế gãi để tránh tình trạng viêm da nặng thêm.
Làm sao để phòng tránh?
BS. Nguyễn Hữu Trường khẳng định, việc điều trị các bệnh lý viêm da thường gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Cắt ngắn móng tay, mang găng cao su và hạn chế tối đa động tác gãi là điều hết sức quan trọng. Các loại kem hoặc mỡ cortisteroid bôi tại chỗ có tác dụng tốt giúp làm mềm da. Sử dụng các thuốc an thần hoặc gây ngủ có thể giúp giảm động tác gãi khi ngủ.
BS. Nguyễn Hữu Trường khuyên, khi thời tiết nóng bức người dân nên chủ động phơi hong chăn màn, giường chiếu, quần áo và các vật dụng khác trong gia đình để côn trùng không còn nơi trú ngụ. Giữ vệ sinh cá nhân, trời nóng nên tích cực rửa chân tay bằng nước sạch tránh để mồ hôi trên người quá lâu cũng có thể gây ngứa, nhất là các bệnh nhân có tiền sử ngứa theo mùa. Đồng thời, vệ sinh không gian nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, không nên để các chậu cây cảnh um tùm lá, ẩm ướt trong nhà vì đó cũng có thể là nguồn khởi phát bệnh tật, ruồi muỗi gây bệnh… Bên cạnh đó, mọi người nên uống nhiều nước, ăn hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Với những bệnh nhân đã được khám cần dùng thuốc và thăm khám lại theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Khi có những triệu chứng khác lạ phải lập tức báo lại cho bác sĩ để có cách điều trị đúng, kịp thời. 

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Duhring - Brocq ( DH) là một bệnh viêm da dạng Herpes, tự miễn dịch. Ðây là bệnh da sần - mụn nước, ngứa nhiều ,đặc trưng bởi tổn thương phân bố đối xứng trên bề mặt duỗi như khuỷu tay, đầu gối, mông lưng, da đầu, gáy.

Vì sao mắc bệnh Duhring – Brocq?
Người ta cho rằng có một số yếu tố liên quan đến việc mắc bệnh đó là: Do cơ thể tự miễn dịch: bệnh DH thường có biểu hiện của bệnh tự miễn như viêm cầu thận, thiếu máu Bermeer, viêm tuyến giáp, Lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa sụn mạn tính; Do gluten: gluten là một protein có trong ngũ cốc (trừ lúa và ngô) được xem như một kháng nguyên ở bệnh nhân DH. Thành phần của gluten có gliadin, chất này liên kết với reticulin là một chất quan trọng ở vùng màng đáy, nó có vai trò làm tăng sự bám dính của màng đáy. Chất gliadin còn kết hợp với chất ngoài tế bào làm  tăng độ nhớt của mô. Trong bệnh DH, tăng độ nhớt ngoài tế bào kết hợp với sự khuyếch tán của dịch tổ chức ở nhú bì và dẫn đến hình thành mụn nước gây ra bệnh; Do bệnh tiêu chảy mỡ: Ở bệnh nhân DH gặp bệnh lý dạ dày - ruột, teo nhung mao ruột non, nhưng bệnh  ruột non ở bệnh nhân DH thường nhẹ hơn ở bệnh tiêu chảy; Do di truyền.


 Tổn thương viêm da trong bệnh Duhring ở khuỷu tay. 
Nhận diện bệnh
Khi mắc bệnh DH, bệnh nhân thường có sốt nhẹ hoặc không sốt, mệt mỏi, sút cân, kém ăn. Ở vùng da sắp tổn thương thường có dấu hiệu báo trước là ngứa, sau đó là rát bỏng hoặc đau. Tổn thương thường gặp là mảng nốt sần, sần - mụn nước hay mề đay.Vì ngứa nhiều nên bệnh nhân phải gãi, vì thế có thể thấy xước da và nốt sần đóng vẩy. 
Tổn thương mang tính chất đối xứng, vị trí thường gặp là: ở mặt gấp cẳng chân, cẳng tay, cánh tay, ở mông, đùi, lưng và bụng, ít gặp ở nách và xương cùng. Khoảng 4,6%  bệnh nhân có tổn thương ở niêm mạc miệng. Lúc đầu là các ban đỏ, mụn nước, sẩn, sau thành bọng nước, phân bố lẻ tẻ hay cụm lại từng đám. Bọng nước to bằng hạt ngô chứa dịch  màu vàng chanh, có khi bọng nước xuất huyết. Từ 5 - 7 ngày, bọng nước sẽ làm mủ và vỡ ra để lại vết trợt, đóng vảy tiết, vảy mủ. Tổn thương gồm nhiều giai đoạn như: ban đỏ, bọng nước, có chỗ loét, có chỗ chỉ để lại một dát sẫm màu. Bệnh tiến triển thành từng đợt, khi tăng khi giảm, có thời gian ổn định nhưng sau lại tái phát. Một số trường hợp bệnh kéo dài suốt đời nhưng bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt lao động bình thường. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân cao tuổi có thể bị suy kiệt.
Xét nghiệm máu thấy bạch cầu ái toan tăng trên 10% hoặc hơn. Test bằng iodua kali (KI) dương tính (cho bệnh nhân uống 1g hoặc bôi tại chỗ mỡ KI 50% trong vaseline lên da, phản ứng xuất hiện sau 24 - 48 giờ dưới dạng ban đỏ ngứa hoặc bọng nước ngứa).
Test miễn dịch huỳnh quang có giá trị nhất để chẩn đoán bệnh DH, thấy có lắng đọng IgA ở đỉnh nhú bì với tỷ lệ dương tính 85 - 90% .
Chẩn đoán xác định dựa vào bốn triệu chứng điển hình: ngứa ở da trước khi xuất hiện tổn thương, ban đỏ, sẩn, mụn nước, bọng nước.
Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh: Pemphigus thông thường thì tổn thương mang tính chất đơn dạng là bọng nước ở lớp thượng bì và  test KI âm tính. Bệnh Pemphigoid bọng nước là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, bọng nước căng to khó vỡ, nếu vỡ thì chóng lành, test miễn dịch huỳnh quang trực tiếp phát hiện lắng đọng kháng thể  IgG  và  bổ thể ở màng đáy. Ban đỏ đa dạng là tổn thương  bị nhiễm tế bào như trong bệnh DH. Chốc tổn thương là các bọng nước trên nền da viêm đỏ, bọng nước nhanh chóng vỡ để lại vảy tiết màu vàng chanh. Mề đay dị ứng tổn thương là các ban đỏ, sẩn, phù, thường có ngứa nhưng điểm đặc biệt là xuất hiện nhanh và mất đi nhanh. Ngoài ra còn phân biệt với bệnh zona thần kinh, sẩn ngứa thể bọng nước…
Chữa trị bệnh
Việc điều trị tại chỗ chủ yếu dùng các dung dịch sát khuẩn như milian, tím metyl, xanh metylen bôi vào các  tổn thương. Trường hợp tổn thương còn phỏng nước thì cần dùng kim vô khuẩn chọc thấm dịch trước khi bôi thuốc. Đối với các tổn thương khô có thể bôi mỡ cloroxit, flucina. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc toàn thân như sau: dùng corticoid 30 - 40mg/ngày,  sau đó hạ  liều dần trong 4 - 8 tuần. Kháng sinh erythromyxin uống 1 - 1,5gam/ ngày cho từng đợt 7 ngày trong 2 - 3 đợt. Bệnh nhân đáp ứng nhanh chóng (chỉ trong 1 - 2 ngày) với thuốc dapson nhưng phải theo dõi sát để tránh biến chứng.
Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -