Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh về da. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh về da. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

(SKDS) -  Nếu chế độ ăn của bạn bị mất cân đối hoặc thiếu chất, da sẽ bị tổn thương. Tùy theo chất bị thiếu mà có triệu chứng bệnh trên da hoặc kèm theo triệu chứng bệnh ở các cơ quan khác. Nhưng vấn đề khiến bạn phải băn khoăn muốn tìm câu trả lời, đó là: Tại sao chế độ ăn đầy đủ nhưng cơ thể vẫn bị thiếu chất?

Thiếu chất do ăn uống kém và do cơ thể hấp thu kém
Nhiều nghiên cứu cho biết: bình thường, đối với người khỏe mạnh, thiếu chất chủ yếu do chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Chẳng hạn bữa ăn thiếu thịt, cá, trứng, sữa... bạn sẽ bị thiếu chất đạm. Bữa ăn ít hay không có dầu mỡ, bạn sẽ bị thiếu chất béo. Đi nắng nhiều, làm việc lâu ngoài nắng mà không hoặc ít uống nước, bạn sẽ bị thiếu nước và một số muối khoáng. Bữa ăn thiếu rau và trái cây bạn dễ bị thiếu các loại vitamin...

Ở một khía cạnh khác, khi bữa ăn hằng ngày vẫn đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng bạn vẫn bị thiếu chất, đó là do cơ thể của bạn không hấp thu được các chất dinh dưỡng nói chung hoặc một vài chất nói riêng. Những chất dễ bị thiếu và khi thiếu gây tổn thương trên da gồm: nước và muối khoáng, vitamin, đạm, béo.
Thiếu vitamin C  gây xuất huyết trên da
Tình trạng thiếu vitamin C là rất phổ biến, trong đó hay gặp ở những đối tượng: người già trên 55 tuổi, người hút thuốc lá, nghiện rượu, người lao động nặng, ăn uống thiếu rau xanh và trái cây. Thiếu vitamin C dễ bị xuất huyết do tính kém bền vững của thành mạch máu, hay gặp xuất huyết ở dưới da và ở niêm mạc lợi răng. Vitamin C có vai trò ngăn ngừa vết nhăn trên da, nó tham gia tổng hợp chất collagen đệm cho da không bị xệ và nhăn, tránh cho da khỏi khô, tóc và móng bớt gãy, giòn.
Vitamin C cũng tham gia điều hòa sự tiết chất nhờn của tuyến nhờn trên da. Vitamin C còn giúp ngăn chặn sự tạo các vết đồi mồi trên da ở  người lớn tuổi. Muốn tránh việc thiếu vitamin C, bạn cần ăn các thức ăn chứa nhiều chất này là rau xanh, trái cây như: rau ngót, rau đay, rau dền, súp lơ, rau cải, cà chua, chanh, cam, bưởi, dâu...

 Thiếu vitamin B3 gây viêm da tróc vảy.
Thiếu vitamin và chất béo da khô tróc vảy Vitamin A có vai trò quan trọng đối với mắt, đồng thời kích thích khả năng tái sinh tế bào da, chống lại sự lão hóa và sự teo đi của da khô; điều hòa sự bài tiết chất nhờn và ngăn chặn quá trình khô da, chống lại sự hình thành lớp sừng trên da, bảo vệ nhiễm sắc tố da chống lại hiệu ứng có hại của các tia tử ngoại... Thiếu vitamin A sẽ làm cho da bị ngứa, khô, tróc vảy, xù xì, các tuyến nhờn kém hoạt động, làm cứng da. Chống thiếu vitamin A bằng cách ăn các thức ăn có nhiều vitamin A như: gan cá, gan động vật, bơ, lòng đỏ trứng, cà chua, cà rốt, rau có màu xanh thẫm, khoai lang, bí đỏ, đu đủ, gấc... 
Thiếu vitamin B2 miệng lở, môi sưng đỏ và nứt, da trên mũi nứt, lưỡi viêm sưng, đau và nứt rãnh, rối loạn ở các tuyến nhờn trên da, làm cho da khô, tróc vảy mỏng, đặc biệt là ở những chỗ da có nếp gấp, các chất nhờn vón lại trên lỗ chân lông, khiến da bị gồ ghề xấu xí.
Thiếu vitamin B3 có thể đưa tới chứng viêm da, bị sưng, tróc vảy, nhất là ở phần da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc chấn thương, viêm miệng và lưỡi sưng đỏ.
Chữa bệnh bằng các loại thuốc có chứa acid nicotinic, ăn thực phẩm có nhiều vitamin B3 như: gan, thận, thịt bò, thịt gà vịt, thịt lợn, sữa, cơm gạo...
Trong thực tế, hầu hết mọi người không thiếu chất béo. Duy chỉ có một số trường hợp bị thiếu chất béo do ăn uống theo chế độ có rất ít chất béo, hoặc ở người phải nuôi dưỡng qua truyền mạch máu lâu ngày. Nếu thiếu chất béo thì da sẽ bị khô và lớp biểu bì sẽ tróc ra những vảy mỏng nhỏ. Cải thiện bằng cách ăn nhiều chất béo có trong thịt, cá, lạc, vừng...

 Thiếu vitamin C bị bệnh scorbut xuất huyết dưới da.
Thiếu chất đạm  da khô, tóc thưa
Chất đạm là thành phần chính của các tế bào cũng như các cấu trúc khác của cơ thể, nên khi thiếu chất đạm sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu thiếu đạm trầm trọng sẽ mắc bệnh Kwashiorkor là suy dinh dưỡng thể phù và có rối loạn sắc tố da. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Chế độ ăn có thể đầy đủ nhưng do cơ thể trẻ chưa đủ các loại men tiêu hóa nên không hấp thu được chất đạm mà bị suy dinh dưỡng do thiếu chất đạm.
Trẻ bị phù nề, kém ăn, tiêu chảy, mất cảm xúc, không tăng trưởng được. Đặc biệt da của bệnh nhi thay đổi màu, da rất khô, biểu bì tróc vảy mỏng với nhiều vết nhăn, kèm theo tóc rất thưa, mất màu sắc. Bệnh được cải thiện rất nhanh nếu trẻ được ăn uống đầy đủ chất nhất là chất đạm và điều trị suy dinh dưỡng tích cực. 

(SKDS) - Da có nhiệm vụ che chở, bảo vệ cơ thể chống lại những tác động có hại cho cơ thể về sinh học, lý học, hóa học. Da làm nhiệm vụ hấp thu, dự trữ và chuyển hóa các chất, bài tiết các chất bảo vệ da, đào thải các chất độc, thu nhận cảm giác, điều hòa thân nhiệt, cân bằng nội môi.

Da có liên quan mật thiết với các bộ phận khác trong cơ thể, là nơi phản ánh tình trạng các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết, những biểu hiện nhiễm độc, nhiễm trùng và dị ứng. Khi da bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng. Ngược lại, khi chức năng da hoặc chức năng của các quan nội tạng bị rối loạn sẽ gây nhiều bệnh da khác nhau. Vì vậy, bệnh ngoài da là rất phổ biến, gặp ở mọi nơi, mọi người và mọi lứa tuổi.
Tác nhân gây bệnh phức tạp có thể do từ bên ngoài tác động vào (như mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc…), có thể do những rối loạn tiên phát (bẩm sinh) hoặc thứ phát (mắc phải) ở bên trong cơ thể sinh ra, cũng còn có nhiều bệnh da đến nay vẫn chưa xác định được căn nguyên. Nhiều bệnh da vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu như bệnh vảy nến, các bệnh da bọng nước tự miễn... Để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh ngoài da thì cần phải có chẩn đoán chính xác, lựa chọn các thuốc, các phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh cụ thể và từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh ngoài da bao gồm: điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân kết hợp với loại bỏ căn nguyên gây bệnh.
Có thể tạm chia thuốc điều trị bệnh da thành các nhóm chính: nhóm thuốc bôi tại chỗ, nhóm thuốc chống ngứa, nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc chống nấm, thuốc điều hòa ức chế miễn dịch, thuốc điều trị nguyên nhân, thuốc y học cổ truyền, ánh sáng trị liệu và nhóm các thuốc nâng cao thể trạng...

 Bôi thuốc ngoài da
Thuốc bôi ngoài da
Là loại thuốc rất cần thiết trong chuyên ngành da liễu vì hầu hết các bệnh ngoài da đều phải sử dụng. Thuốc bôi ngoài da rất phong phú đa dạng, có nguồn gốc khác nhau. Tác dụng điều trị của thuốc phụ thuộc rất nhiều vào các dạng thuốc. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần biết rằng thuốc không chỉ có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân và phải tuân thủ theo các nguyên tắc là: dùng thuốc khi đã được các thầy thuốc chẩn đoán xác định bệnh da; chỉ định các loại thuốc, dạng thuốc và cách dùng phải phù hợp với tình trạng của bệnh. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc bôi ngoài da vì có thể gây các biến chứng và hậu quả nguy hiểm. Các dạng thuốc bôi ngoài da  thường dùng: Thuốc kem (kẽm oxýt 10%...): thành phần gồm có 2 pha dầu và pha nước có tác dụng làm dịu da và bảo vệ da, thường được dùng trong giai đoạn bán cấp và trong thẩm mỹ.
Thuốc mỡ (salysilic 5%, Daivonex, Panoxyl 5-10…): là dạng thuốc bôi ngoài da phổ biến nhất, thành phần gồm pha dầu và hoạt chất. Thuốc mỡ làm mềm da, tăng khả năng hấp thu của da nhưng làm trở ngại bài tiết và gây bít da. Không dùng dạng thuốc mỡ khi thương tổn đang ở giai đoạn cấp tính hoặc chảy nước. Thường dùng dạng mỡ trong giai đoạn mạn tính.
Thuốc hồ (hồ Brocq, hồ nước, hồ tetraped…): tác dụng làm thoáng da nhưng không ngấm sâu bằng thuốc mỡ, làm giảm viêm, giảm sung huyết, chống ngưng tụ huyết, làm khô da, dùng cho thương tổn ở giai đoạn bán cấp.
Thuốc bột (bột talc…): có tác dụng làm dịu da, giảm viêm và khô da.
Dung dịch (Jarish, Lugol, Milian, Caslellani…): hoạt chất thường là các dung môi lỏng hoặc hoà tan trong nước. Có loại dung dịch trong nước và trong cồn. Dạng thuốc này có tác dụng nhất thời dùng trong giai đoạn cấp tính. Các dung dịch màu nên bôi vào buổi chiều tối, tránh nắng. Bởi vì, các hoạt chất màu dễ mẫn cảm với ánh sáng để trở thành chất cảm quang gây viêm da do ánh sáng.
Dạng gel (Metrogylgel, Erythrogel) dễ sử dụng, bôi nhanh khô tạo cảm giác dễ chịu.
Corticoids bôi ngoài da: Có rất nhiều chế phẩm chứa hoạt chất corticoid được sử dụng điều trị bệnh ngoài da.
Chỉ định corticoid bôi ngoài da phải dựa vào chẩn đoán, vị trí thương tổn, sự đáp ứng của bệnh da với thuốc và phải tuân thủ một số nguyên tắc chung: không lạm dụng chỉ định; dùng liều giảm dần, không dùng kéo dài. Khi dùng corticoid kéo dài sẽ xảy ra các tác dụng không mong muốn như: giãn mạch, đỏ da, nhiễm trùng, teo da, mọc lông. Đặc biệt dùng corticoid bôi vào những vùng da mỡ (mặt, lưng, ngực) gây mọc mụn trứng cá, viêm nang lông. Một số tác giả khuyến cáo nên hạn chế tối đa dùng corticoid tại chỗ vào vùng da mỡ. Đối với những vùng da này chỉ sử dụng thuốc bôi có corticoid khi thật sự cần thiết, nên dùng loại có tác dụng vừa và nhẹ, trong thời gian ngắn.
Chỉ định corticoid toàn thân điều trị bệnh da cần phải cân nhắc kỹ lợi/hại trước khi chỉ định và phải tính toán liều lượng sử dụng ban đầu thấp nhất có hiệu quả để có thể rút ngắn được quá trình giảm liều và ngừng thuốc, tránh tình trạng phụ thuộc thuốc. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, khi thuốc có tác dụng, bệnh giảm thì bắt đầu hạ liều từ từ. Không nên lạm dụng trong chỉ định, đặc biệt là sử dụng kéo dài corticoid bằng đường toàn thân sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.
Kháng histamin
Có các loại bôi tại chỗ, uống, tiêm. Các kháng histamin được sử dụng chống ngứa, chống dị ứng cho nhiều bệnh da. Hiện nay có 3 thế hệ kháng histamin H1 đang được sử dụng.
Kháng H1 thế hệ I có khả năng tan trong mỡ, xâm nhập được qua hàng rào máu não gây ức chế thần kinh trung ương nên có tác dụng an thần và buồn ngủ. Tác dụng không mong muốn gây mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ, ngủ gật, lú lẫn hoặc kích động ở người cao tuổi, khô mắt, khô miệng táo bón, keo dịch tiết phế quản, nhịp tim nhanh, rối loạn vận động, bí đái. Chống chỉ định trong những trường hợp glocom góc đóng, bí đái rối loạn niệu đạo, phụ nữ có thai và cho con bú, sơ sinh…, tương tác với rượi gây tăng tác dụng an thần. Kháng H1 thế hệ I có nhiều loại như: chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin, Brompheniramin, Diphenhydramin... Chỉ định kháng H1 thế hệ I điều trị các bệnh da dị ứng, ngứa và nên dùng vào buổi tối.
Kháng H1 thế hệ II và thế hệ III ít gây buồn ngủ. Các loại thuốc thế hệ II gồm: cetirizin, loratadin, acrivastin…; thế hệ III có: fexofenadin (Telfast), levocetirizin, desloratadin.
Cần sử dụng kháng histamin một cách hợp lý, chỉ định, phối hợp thuốc đúng sẽ đem lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh ngoài da.
Những lưu ý khi sử dụng kháng H1: đối với phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em và những bệnh nhân có các bệnh khác kèm theo thì cần phải cân nhắc lựa chọn loại kháng histamin tác động trên thụ thể H1 phù hợp với lứa tuổi, thời gian mang thai, tác dụng không mong muốn. Phải cân nhắc lợi/hại để hạn chế và tránh những tác dụng có hại có thể xảy ra cho bệnh nhân và thai nhi.
Các kháng histamin thường tương tác với rượu gây tăng tác dụng an thần. Cho nên khi sử dụng kháng histamin bệnh nhân không được uống rượu.
Thuốc chống nấm được chia làm 2 loại dùng tại chỗ và dùng đường toàn thân.
Thuốc chống nấm dùng toàn thân để điều trị các trường hợp nhiễm nấm sâu hoặc nhiễm nấm da lan tỏa, gồm các loại: thuốc chống nấm gốc azol (các dẫn chất của imidazol và triazol), griseofulvin, nystatin, amphotericin B.
Thuốc chống nấm tại chỗ (thuốc bôi) thường dùng cho những trường hợp nhiễm nấm nông khu trú ở da và niêm mạc như: hắc lào, lang ben, trứng tóc, tưa miệng...
Khi sử dụng các thuốc chống nấm đường toàn thân cần lưu ý tương tác của thuốc. Ví dụ: dùng các dẫn chất của imidazol thì không nên phối hợp với các thuốc kháng histamin H1 thế hệ II và III, các kháng sinh như rifampicin, isoniazid, bệnh nhân không nên uống rượu.
Thuốc y học cổ truyền
Có nhiều bài thuốc y học cổ truyền dùng điều trị một số bệnh da có hiệu quả. Tuy nhiên, có một số loại thuốc, bài thuốc đông dược, nam dược được truyền miệng, được đồn thổi tác dụng trong nhân dân. Những thuốc này thường không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả điều trị. Một số thầy lang đã áp dụng hoặc người bệnh tự động sử dụng các thuốc này điều trị bệnh ngoài da. Nhiều trường hợp đã làm bệnh nặng thêm hoặc gây những biến chứng nguy hiểm. Ví dụ: gây vảy nến thể mủ toàn thân hay gây đỏ da toàn thân ở bệnh nhân vảy nến thể thông thường, gây viêm da tiếp xúc kích ứng… Những trường hợp này điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Tóm lại bệnh da rất đa dạng, thuốc và các phương pháp điều trị bệnh da cũng rất phong phú. Vấn đề đặt ra là sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị như thế nào để bệnh chóng khỏi hoặc kiểm soát được các bệnh mạn tính nhằm kéo dài thời gian ổn định. Khi bị bệnh da, người bệnh cần đến thầy thuốc khám đề  được chẩn đoán chính xác. Thuốc sử dụng điều trị phải phù hợp với từng loại bệnh và phù hợp với giai đoạn tiến triển của bệnh; phải cân nhắc hiệu quả và sự an toàn của các loại thuốc cho từng đối tượng, chú ý đến tương tác của thuốc. Người bệnh phải tuân thủ những chỉ định điều trị của thày thuốc, phối hợp chặt chẽ và thường xuyên thông báo cho thày thuốc những diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị để thày thuốc có những điều chỉnh và tư vấn kịp thời.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

(SKDS) - Dị ứng do nọc côn trùng có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau, thủ phạm chính là các loại côn trùng thuộc họ có cánh như các loại ong và kiến lửa, đôi khi có thể là các loại rận rệp. Các loại côn trùng này có khả năng đốt và đưa nọc của mình vào cơ thể người và động vật. Nọc của chúng thường có chứa nhiều loại men và protein nên có nguy cơ cao gây ra các phản ứng dị ứng.

Côn trùng đốt có nguy hiểm?
Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ bị đốt như sưng nề đỏ, ngứa và đau, những biểu hiện này thường tự biến mất trong vòng một vài giờ mà không để lại di chứng. Khoảng 10% trường hợp có phản ứng lan tỏa xung quanh vùng bị đốt với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển tối đa sau 2 ngày và tồn tại trong 7-10 ngày. Các phản ứng tại chỗ này không xảy ra theo cơ chế dị ứng mà do sự phóng thích trực tiếp histamine dưới tác dụng của nọc côn trùng. Biểu hiện phù nề này thường không nguy hiểm nhưng nếu xảy ra ở vùng đầu mặt cổ thì có thể gây chèn ép đường thở và nguy hiểm đến tính mạng.
 
Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, trong khoảng 1-3% các trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thể như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, khó thở, thở rít, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng, trường hợp nặng có tụt huyết áp, choáng ngất, da tái lạnh... nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ở Mỹ, mỗi năm có ít nhất 40-50 người tử vong do bị côn trùng đốt gây sốc phản vệ. Các phản ứng dị ứng toàn thể do côn trùng đốt có thể xảy ra với một vết đốt duy nhất và thường từ lần đốt thứ hai trở đi, khi cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu kháng lại nọc côn trùng.

 Ong vò vẽ
Cách xử trí khi bị côn trùng đốt
Khi bị côn trùng đốt cần hết sức giữ bình tĩnh. Những phản ứng nhẹ tại chỗ thường tự biến mất sau vài giờ không cần điều trị. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa, vùng bị côn trùng đốt cần được rửa sạch và đảm bảo vệ sinh để tránh nguy cơ bội nhiễm, chườm lạnh để giảm phù nề. Nếu quanh vùng bị đốt có mang vòng hoặc nhẫn, cần tháo bỏ trước khi tình trạng sưng nề xuất hiện để tránh nguy cơ chèn ép. Nếu ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra bằng nhíp và tránh làm vỡ túi chứa nọc, điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt. Dùng các thuốc kháng histamin bôi tại chỗ (như kem phenergan) có thể giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa.
 
Một số chế phẩm bôi ngoài da có chứa corticosteroid và kháng sinh như cortibion (chứa dexamethasone và neomycine) cũng nên được sử dụng sớm do có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề và ngăn ngừa bội nhiễm. Các thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm có thể được sử dụng để giảm triệu chứng nếu điều trị tại chỗ không hiệu quả. Kháng sinh chỉ sử dụng trong một số ít trường hợp có bội nhiễm. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau một ngày vết đốt thường tạo thành một mụn nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
 Dị ứng da do côn trùng đốt
Phản ứng toàn thể:
Những phản ứng này bắt buộc phải được điều trị trong bệnh viện, trong đó adrenalin là thuốc không thể thiếu và nên được dùng sớm ngay khi có thể. Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mày đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Sử dụng sớm các thuốc kháng histamin H1 (như diphenhydramine, dimesrol) và corticosteroid (như methylprednisolon, hydrocortison...) đường uống hoặc tiêm truyền giúp giảm bớt triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Có thể sử dụng các thuốc kháng histamine H2 như ranitidine, famotidine hoặc cimetidine để phối hợp điều trị. Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như thở ôxy, dùng thuốc giãn phế quản, truyền dịch... là cần thiết trong các trường hợp sốc phản vệ. Thuốc kháng histamin và corticosteroid đường uống nên được tiếp tục sử dụng 3-5 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện để tránh nguy cơ các phản ứng dị ứng tái lại.
Các biện pháp phòng ngừa côn trùng đốt

Những người có tiền sử dị ứng hoặc đã từng bị dị ứng với nọc côn trùng cần hết sức thận trọng tránh xa các tổ ong, kiến lửa để tránh bị đốt. Khi đi ra ngoài hoặc làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất nên đi giầy, mặc áo dài tay tối màu, tránh mang các vật dụng có màu sắc sặc sỡ, không dùng các mỹ phẩm hoặc bày các đồ ăn, thức uống có mùi thơm quyến rũ côn trùng. Giảm mẫn cảm đặc hiệu là một phương pháp rất có hiệu quả để dự phòng các phản ứng dị ứng với nọc côn trùng, nhưng hiện nay mới chỉ có thể thực hiện được với một số loại nọc ong và kiến lửa.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

(SKDS) -  Viêm da do cây cỏ và ánh sáng  (còn gọi là “viêm da Berloque”) là một viêm da nhiễm độc ánh sáng do người bệnh “tiếp xúc” với những thực vật (cây cỏ) nhạy cảm ánh sáng kết hợp tia cực tím có bước sóng dài (UVA 320-380 m). Nguyên nhân là do trong các loài cây cỏ này có chứa chất tăng nhậy cảm ánh sáng (thúc đẩy cơ thể hấp thụ tia cực tím trong ánh sáng mà phát bệnh.

Một vài đặc điểm
 Tỉ lệ mắc bệnh chung là không rõ. Do furocoumarins được tìm thấy ở nhiều thực vật hoang dã và trong nước nên có thể nhiều người đã bị phơi nhiễm.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng, tuy nhiên cần lưu ý là ở trẻ nhỏ do biểu hiện trên da giống như vết bầm tím có dạng dấu vân tay hoặc ngón tay nên có thể bị nhầm lẫn với lạm dụng trẻ em.
Biểu hiện thế nào?
Bệnh có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm da cơ địa hoặc bỏng do hóa chất.
Viêm da do cây cỏ và ánh sáng có thể được chia thành 4 nhóm dựa trên cơ chế tác động của từng loại: viêm da dạng mày đay, viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da nhiễm độc ánh sáng.
 Khởi phát bệnh rất bất ngờ. Sau khi ăn hoặc tiếp xúc với một số loại rau như mùi tây, cần tây, rau cải, rau dền, rau cải dầu, rau chân vịt hoặc uống một số thuốc đông y như kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, bổ cốt chi... lại tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thấy xuất hiện viêm da.
Người mắc bệnh chủ yếu là nam, nữ thanh niên. Trẻ em ít khi mắc.
 Biểu hiện điển hình là đầu tiên thấy ngứa ngáy, khó chịu, sau đó ở những vùng hở như mặt, mu tay xuất hiện các ban đỏ bỏng rát. Các ban đỏ thường xuất hiện dần dần, chậm rãi (sau khoảng 24 giờ và đạt đỉnh vào khoảng 48-72 giờ). Các ban đỏ có thể ở mi mắt làm mắt không mở được, ở xung quanh miệng làm miệng khó há.
Từ các ban đỏ sẽ hình thành bọng nước, phỏng dộp, dần dần hoại tử. Sau một thời gian sẽ khô lại, bong vảy da.
Vị trí tổn thương: Phần lớn xảy ra ở vùng hở (thường là mu tay, cánh tay, mu chân, mặt) hoặc bất kì chỗ nào, nơi tiếp xúc với furocoumarins và vùng phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời.
 Hình dáng tổn thương: thường có hình ziczac hoặc thành vệt, thành dải. Đến giai đoạn muộn, sự xuất hiện tăng sắc tố theo hình dạng trên có thể là chứng cứ để chẩn đoán phytophotodermatitis.
Tiến triển: Nếu nhẹ, tổn thương thường ở mặt, khoảng 1 tuần thì khỏi. Nếu nặng, tổn thương có thể gặp ở nhiều nơi như cổ, chi trên, mu bàn tay...và phải 2-3 tuần, có khi lâu hơn mới khỏi.

 Umbelliferae là loại cây dễ gây bệnh.
Nguyên nhân
Loài cây phổ biến nhất gây phytophotodermatitis là họ cây Umbelliferae. Ngoài ra còn các loại thực vật khác là Rutaceae, họ Dâu tằm và Leguninosa.
 Các các chất làm tăng nhạy cảm ánh sáng chính được tìm thấy trong các loài thực vật này là furocoumarins bao gồm psoralens và 5-methoxypsoralens (5 MOP), 8-methoxypsoralens (8 MOP), angelicin, bergaptol và xanthotal.
Các loại thực vật tăng nhạy cảm với ánh sáng thường gặp là mùi tây (Cymopteris watsonii), parsnips (Pastinaca sativa), cần tây (Apium graveolens), và/hoặc cà rốt (Daucus carota), chanh, quýt, cam Bergamot, rau cải, rau dền, rau cải dầu, rau chân vịt, kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, bổ cốt chi...
Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè khi hàm lượng  furocoumarins cao nhất trong các cây cỏ và là thời gian người bệnh bị phơi nhiễm cao nhất với tia cực tím.
Chẩn đoán
 Chẩn đoán xác định: chủ yếu dựa vào lâm sàng
Chẩn đoán phân biệt: Viêm da tiếp xúc dị ứng; Viêm da tiếp xúc kích ứng; Bệnh bọng nước do thuốc; Herpes simplex; Sứa đốt; Porphiria Cutanee tarda; Bỏng nhiệt.
Điều trị
 Bệnh có thể hết nếu loại bỏ các yếu tố gây bệnh. Bệnh nhân nên tránh các cây cỏ có chứa furocoumarins
Tại chỗ.  Tổn thương cấp tính: đắp bằng gạc ướt, dung dịch nước muối sinh lí 9%0, dung dịch Jarish, thuốc làm dịu da và sát khuẩn. Nếu tổn thương nặng và phù nề, có thể bôi bằng thuốc có corticoid.

 Toàn thân. Kháng histamin nếu nặng, corticoid liều 10-20mg. Dùng kem chống nắng tia UV-A giúp ngăn chặn phản ứng phototoxic khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

(SKDS) - Bệnh porphyrin da mắc phải muộn (acquired porphyria cutanea tarda-APCT) là bệnh da ít gặp, với tỷ lệ mắc bệnh ước tính khoảng 1/25000 người. Bệnh có thể gặp ở mọi chủng tộc, mọi nơi trên thế giới. Bệnh gặp ở cả nam và nữ, và thường biểu hiện bệnh ở tuổi trung niên. Bệnh porphyrin da mắc phải muộn được xếp vào nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa do rối loạn chức năng các loại men đặc hiệu trong chu trình tổng hợp HEME và porphyrin. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh là các tổn thương bọng nước, sẹo, nhạy cảm ánh sáng, tập trung chủ yếu ở vùng da hở, vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân có các bệnh về gan. Bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, sinh hoạt, lao động và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bệnh biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng của bệnh gồm các biểu hiện chủ yếu là các tổn thương ở da điển hình với một số hình ảnh: Da xù xì, nhăn nheo, lồi lõm, mất độ trơn bóng. Xuất hiện các mụn nước, bọng nước kích thước vài milimet tới vài centimet, sau đó có thể trợt, loét, có chỗ đóng vảy da, vảy tiết. Vết trợt loét thường gặp sau các vết thương, trầy xước. Các vết loét khi lành có thể để lại nền da thô ráp với nhiều mụn, sẩn nhỏ li ti, màu trắng trông giống hạt kê (milia). Tổn thương thường để lại sẹo, teo da, vảy da, các đám tăng hoặc giảm sắc tố tạo ra các vùng da loang lổ. Bệnh tồn tại lâu dài có thể gặp hiện tượng rậm lông ở mặt: tai, má; tay, chân. Các sợi lông mọc ngày càng dài, rậm và đen hơn bình thường.
 
Ngoài ra tùy từng trường hợp còn có một số biểu hiện khác như: xạm da, rụng tóc do sẹo, tổn thương móng, bong móng, tổn thương da xơ cứng từng mảng. Trong giai đoạn xuất hiện bọng nước, tổn thương bọng nước thường đau, rát giống bị bỏng. Vị trí tổn thương da tập trung chủ yếu ở các vùng da hở, vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng như ở mặt, mặt duỗi cẳng, mu bàn tay; mu bàn chân.

 Bệnh porphyrin bẩm sinh
Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh?
Cơ chế bệnh xuất hiện là do thiếu hoặc giảm chức năng của men uroporphyrinogen decarboxylase (UROD). Đây là một men quan trọng trong quá trình chuyển hóa, tổng hợp  HEME (là một thành phần trong cấu trúc nhiều loại tế bào quan trọng của cơ thể như hồng cầu). Khi thiếu men UROD, gây cản trở trong quá trình chuyển hóa bình thường để tổng hợp HEME, gây tăng và ứ trệ porphyrin hoặc các sản phẩm chuyển hóa trong chu trình tổng hợp HEME ở nhiều cơ quan, tổ chức trong cơ thể. Porphyrin và các sản phẩm chuyển hóa trên có khả năng hấp phụ ánh sáng và chuyển thành dạng năng lượng cao, từ đó gây tổn thương tại các mô có chứa các chất này.
 
Thiếu men UROD có thể do di truyền hoặc do mắc phải. Đối với thể bệnh di truyền, còn gọi là bệnh porphyrin da muộn gia đình (family porphyria cutanea tarda), gen mã hóa men này nằm ở vị trí 34 nhánh ngắn, cặp nhiễm sắc thể thứ nhất và bệnh di truyền trội. Khi thiếu men UROD xảy ra ở các tế bào gan, do sự tác động của một số yếu tố như rượu, nội tiết tố estrogen, sắt, một số loại virus, một số loại thuốc và hóa chất, sẽ tiến triển thành bệnh porphyrin da mắc phải muộn. Thể bệnh này chiếm tới 75% trong số bệnh nhân mắc bệnh porphyrin da muộn.
Rượu là yếu tố kích hoạt APCT. Rượu ảnh hưởng tới nhiều men chuyển hóa trong chu trình sinh tổng hợp HEME, từ đó làm tăng uroporphyrinogen trong huyết tương, tăng lượng uroporphyrinogen trong nước tiểu và phân. Uống rượu lâu dài làm tăng hấp thu sắt cũng là yếu tố kích hoạt bệnh porphyrin da mắc phải muộn.
Estrogen là nội tiết tố sinh dục thường được sử dụng trong thuốc tránh thai. Trước đây, tỷ lệ mắc APCT ở nam cao hơn nữ, nhưng từ khi thuốc tránh thai được sử dụng rộng rãi thì bệnh nhân nữ lại tăng lên đáng kể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc APCT tăng cao ở những nam giới dùng estrogen trong trị liệu nội tiết tố để điều trị ung thư tinh hoàn hoặc trường hợp bổ sung nội tiết và liệu pháp nội tiết tố thay thế ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Một số hóa chất khác cũng được cho là có vai trò quan trọng trong bệnh APCT. Hexachlorobenzene (HCB) là một hóa chất diệt nấm có thể làm giảm hoạt tính của men UROD. HCB làm tăng porphyrin lưu hành trong máu, trong gan, nước tiểu và phân, gây nên các biểu hiện bệnh APCT. Trên thế giới cũng có nhiều báo cáo về các trường hợp APCT do nhiễm HCB cấp hoặc mạn tính. Tetrachlorodibenzo-p-Dioxin là một hóa chất trong thành phần chất khai quang, diệt cỏ có độc tính cao. Hóa chất này độc và có khả năng phá hủy gan, gây ra bệnh APCT.
Nồng độ sắt trong huyết thanh cao hơn bình thường ở người bị APCT. Tỷ lệ người bệnh APCT cao ở những trường hợp nghiện rượu mạn tính và có nồng độ sắt huyết thanh cao. Sắt huyết thanh cao có khả năng ức chế hoạt động của men UROD, phá hủy màng các bào quan trong tế bào gan như các ty lạp thể, gây độc cho tế bào gan và ảnh hưởng tới chu trình tổng hợp HEME.
Một số virus như virus viêm gan C, HIV cũng có vai trò trong bệnh APCT. Đặc biệt ở những người có kết hợp với các yếu tố khác như uống nhiều rượu, sắt huyết thanh cao...
Làm thế nào để chẩn đoán được bệnh?
Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa da liễu. Chẩn đoán bệnh thường dựa vào các biểu hiện lâm sàng đặc hiệu trên da và xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm định lượng uroporphyrinogen, porphyrin trong máu, xét nghiệm tìm uroporphyrinogen, coproporphirinogen, protoporphirinogen trong phân và nước tiểu. Một biện pháp đơn giản để xác định porphyrin trong nước tiểu là sử dụng đèn Wood soi sẽ thấy nước tiểu có màu đỏ. Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác hỗ trợ chẩn đoán như sinh thiết da, sinh hóa, huyết học.
Bệnh được điều trị thế nào?
Điều quan trọng trong điều trị bệnh là: phải loại trừ các căn nguyên gây bệnh như: rượu, estrogen, sắt, nhiễm virus, một số loại thuốc và hóa chất... Không sử dụng các loại thuốc hoặc hoạt chất có hại cho gan. Các triệu chứng của bệnh có thể điều trị bằng một số phương pháp sau đây:
Giảm lượng máu trong cơ thể (phlebotomy): là phương pháp rút bớt máu trong cơ thể. Trong bệnh APCT, đây là lựa chọn trị liệu hàng đầu, dễ thực hiện và hiệu quả. Mỗi tháng có thể lấy 2 lần, mỗi lần 250-400ml máu tĩnh mạch. Trong thời gian 3-6 tháng.
Thuốc chống sốt rét: trong những trường hợp phương pháp điều trị trên không thể áp dụng hoặc có chống chỉ định, thuốc kháng sốt rét là lựa chọn tốt để thay thế. Thường sử dụng chloroquine hoặc hydroxychloroquine liều cao dùng hàng ngày hoặc liều thấp, tuần 2 lần. Một số trường hợp có thể dùng cả hai phương pháp điều trị trên.
Làm gì để phòng bệnh?
Phòng bệnh cần quan tâm đến các yếu tố căn nguyên nêu trên. Không sử dụng rượu, tránh hoặc ngưng dùng thuốc hoặc các hoạt chất có thể gây bệnh. Có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý. Điều trị sớm các bệnh lý của gan. Bảo vệ da bằng cách tránh nắng, che nắng thật tốt bằng các phương pháp vật lý và kem chống nắng. Khi đã bị bệnh, hạn chế các chấn thương, trầy xước trên da, đặc biệt các vùng hở, vùng phơi nhiễm ánh sáng.

Phòng và phát hiện sớm: Thường xuyên kiểm tra định kỳ ba tháng một lần chỉ số porphyrin trong máu, nước tiểu, phân để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Lão hóa - quy luật của tự nhiên(SKDS) - Khi người ta càng lớn tuổi thì cơ thể càng có những thay đổi về giải phẫu và chức năng, đặc biệt là da và các cơ quan khác có xu hướng già đi, suy giảm tất cả các chức năng, đồng thời sự tái tạo kém hơn khi còn trẻ. 

Tuy nhiên, sự lão hóa có thể xảy ra sớm hơn do những tác động môi trường bên ngoài như ánh nắng, ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, có nhiều bệnh lý liên quan tới lão hóa sớm của cơ thể. Cho tới nay, người ta biết được hơn 100 bệnh biểu hiện bệnh lý lão hóa sớm. Đại đa số những bệnh này là do yếu tố di truyền mặc dù bệnh không xuất hiện sớm ngay trong những năm đầu của cuộc đời. Các biểu hiện lão hóa da sớm thường biểu hiện là teo da, giảm tổ chức mỡ dưới da, da nhăn nheo, tóc bạc sớm, rụng tóc, teo móng tay, móng chân, thay đổi sắc tố trên da, da loang lổ trắng đen, loét da và da bị xơ cứng.

 Hội chứng lão hóa sớm
Lão hóa sớm
Các biểu hiện da mềm, nhiễm sắc tố lan tỏa và giãn mạch máu thường thấy rõ ở các chi, mặt và cổ. Dầy sừng các điểm hay bị tỳ đè như ở bàn chân, mắt cá sau khi bong ra có thể để lại vết loét không đau. Giọng nói có thể cao hoặc bị khàn do teo mỏng dây thanh âm và dính nắp thanh quản. Trí tuệ phát triển bình thường.
Trong số các hội chứng bệnh lý lão hóa sớm có Hội chứng lão hóa Werner. Đây là hội chứng lão hóa sớm ở người trưởng thành. Bệnh thường bắt đầu sau tuổi dậy thì, bệnh tiến triển nặng dần theo thời gian. Biểu hiện của bệnh là vóc người nhỏ bé, lão suy, đục thủy tinh thể, cứng khớp, sớm mãn kinh, xơ vữa động mạch sớm, và những biểu hiện lão hóa da sớm như tóc bạc sớm, xơ cứng bì, rụng tóc hói, các loét da và có nguy cơ bị bệnh ác tính cao hơn. Bệnh nhân còn có những biểu hiện thoái hóa nhiễm sắc thể, biến đổi chuyển hóa tổ chức, có những bất thường về hệ miễn dịch và nội tiết. Đây bệnh di truyền gen lặn, tần suất mắc khoảng 1-5%o. Đặc điểm bệnh học là lão hóa không đồng đều. Thượng bì teo, một số tuyến phụ da bị mất, trung bì dày, thoái hóa trung bì và cả hạ bì. Các mạch máu và thần kinh cũng bị biến đổi giống như trong bệnh tiểu đường. Những bất thường đó thường thấy rõ ở mặt, các chi hơn là thân mình.
Biểu hiện của bệnh sớm nhất có thể nhận thấy được là tóc bị bạc ở vùng thái dương, thường xảy ra trong độ tuổi 14-18. Tóc bạc nhanh và kèm theo rụng tóc. Tuy nhiên, những biểu hiện lão hóa thấy rõ nhất là vào lứa tuổi từ 18 đến 30 nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện sớm hơn. Chân, bàn chân và bàn tay thường bị tổn thương nặng nhất. Vùng mặt, cổ nhẹ hơn. Biểu hiện da teo và mất dần lớp mỡ dưới da làm cho da căng, bóng và dính vào dưới da. Da vùng chân mỏng đi, nhẽo, trái ngược với một số vùng da bình thường hoặc vùng thân bị béo phì và có thể kèm theo xơ cứng bì hoại thư ở đầu chi. Các biểu hiện da mềm, nhiễm sắc tố lan tỏa và giãn mạch máu thường thấy rõ ở các chi, mặt và cổ. Dầy sừng các điểm hay bị tỳ đè như ở bàn chân, mắt cá sau khi bong ra có thể để lại vết loét không đau. Giọng nói có thể cao hoặc bị khàn do teo mỏng dây thanh âm và dính nắp thanh quản. Trí tuệ phát triển bình thường.
Đa số người bệnh có dáng vóc nhỏ, suy giảm tuyến sinh dục gây ra lông vùng nách, sinh dục thưa hoặc không có lông, tuy nhiên có một số trường hợp phát triển vóc dáng bình thường và vẫn có thể sinh đẻ. Một số tuyến nội tiết khác cũng có thể bị ảnh hưởng như tiểu đường gặp khoảng 30%, và nhiều người bị rối loạn hấp thu glucoza. Tỷ lệ mắc ung thư cao, đặc biệt là sarcôm xơ gặp khoảng 20% trường hợp. Carcinoma có thể xảy ra trên các vết loét ở chân, nhưng hiếm gặp. Xơ vữa động mạch thường xảy ra sớm. Các rối loạn chuyến hóa có thế xảy ra. Bệnh nhân thường tử vong vào tuổi từ 40 đến 60 do bệnh lý nhồi máu cơ tim hay do ung thư. Chụp XQ có thể thấy rõ can xi hóa động mạch, dây chằng, gân và tổ chức dưới da đồng thời với hiện tượng loãng xương rất nặng, đặc biệt ở chân.
Những đặc điểm nổi bật của bệnh này là già trước tuổi, cơ thể không phát triển đầy đủ, biểu hiện giống như bệnh xơ cứng bì, đục thủy tinh thể là những triệu chứng rất đặc biệt không nhầm lẫn với bệnh khác được. Nghiên cứu về gen thì thấy  biến đổi gen WRN.

Điều trị chủ yếu là hỗ trợ và giảm các triệu chứng, trong đó cần quan tâm đến các vết loét ở chân, một số trường hợp phải cắt cụt nếu bị nặng. Đục thủy tinh thể cũng cần chăm sóc và có thể mổ. Phẫu thuật thẩm mỹ với mục đích tạo hình làm đẹp có thể áp dụng cho một số trường hợp.

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

(SKDS) -  Chúng ta ai cũng muốn có một làn da trẻ, khỏe, đẹp. Quan trọng hơn da là bộ phận phản ánh rõ nét nhất sức khỏe, tinh thần của một con người. Cũng như tất cả các bộ phận khác trong cơ thể, da cũng bị già, lão hóa theo tuổi đời.  Nếu không có một liệu trình chăm sóc da phù hợp thì theo tuổi đời quá trình lão hóa da diễn ra ngày càng nhanh. Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hậu Khang - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương xung quanh vấn đề này.

PV: Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Vậy xin ông cho biết tình hình bệnh da liễu ở nước ta hiện nay như thế nào ?
PGS.TS. Trần Hậu Khang: Da liễu là một chuyên ngành đặc biệt bao gồm nhiều nhóm bệnh khác nhau: Nhiễm trùng da (vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng) dị ứng – miễn dịch (viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da mỡ,...) bệnh tự miễn (luput ban đỏ, viêm bì cơ, xơ cứng bì, pemphigus,...); Các bệnh da do di truyền, rối loạn chuyển hóa,... Mỗi nhóm bệnh có đặc thù riêng, có tỉ lệ bệnh khác nhau và liên quan tới nhiều yếu tố, nguyên nhân gây bệnh.
So với các nước trong khu vực, mô hình bệnh da liễu ở Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Điều này có thể do do điều kiện khí hậu, môi trường, vệ sinh,...

 PGS.TS Trần Hậu Khang
Trong các bệnh ngoài da gặp tại Bệnh viện Da liễu Trung ương thì nhiễm trùng da vẫn thường gặp nhiều nhất, đặc biệt là nhóm bệnh liên quan đến vệ sinh môi trường: nấm, ghẻ, chốc, nhọt. Các bệnh da có cơ chế miễn dịch, dị ứng cũng tương đối phổ biến, đặc biệt là viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da dầu, vảy nến,... Trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều bệnh hiếm gặp cũng được phát hiện, đặc biệt là các bệnh da có cơ chế bệnh sinh phức tạp như: bệnh nhão da (cutis laxa), các loại ung thư da, mycosis fongoid, porphyria… Một điều đặc biệt có ý nghĩa là với sự đầu tư của Chính phủ, sự hợp tác giúp đỡ của WHO và các Tổ chức Phi Chính phủ, tỉ lệ bệnh phong đã giảm một cách có ý nghĩa từ 7/10.000 (1981) xuống 0,04/10.000 năm 2011. Tuy nhiên các bệnh LTQĐTD (STD) vẫn còn là vấn đề của y tế công cộng.
PV: Xin ông cho biết ngành Da liễu đã áp dụng những kỹ thuật hiện đại gì để chẩn đoán các bệnh da hiếm gặp, khó điều trị và có khó khăn gì trong quá trình thực hiện?
PGS.TS. Trần Hậu Khang: Chẩn đoán các bệnh da liễu chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng. Tuy nhiên, nhiều bệnh với các triệu chứng không rõ ràng, nếu chỉ “nhìn”, “sờ” thì không thể xác định được. Vì vậy cần các xét nghiệm chuyên biệt, hiện đại mới chẩn đoán được. Đó là các xét nghiệm về mô bệnh học, miễn dịch học, dị ứng học, nấm học,... Hiện nay các trung tâm, bệnh viện lớn của chuyên ngành da liễu thực hiện thường qui các chẩn đoán về mô bệnh học, một số xét nghiệm để chẩn đoán căn nguyên dị ứng, nhuộm, soi, nuôi cấy phát hiện các vi sinh vật… Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuyến cao nhất của ngành Da liễu Việt Nam đã thực hiện các xét nghiệm cao cấp phục vụ công tác chẩn đoán, theo dõi điều trị như: PCR (Polymerase Chain Reaction), chẩn đoán căn nguyên dị ứng với 36 dị nguyên, labo chuẩn chẩn đoán HIV/AIDS, miễn dịch huỳnh quang, xác định các chủng nấm, nuôi cấy vi sinh, mô bệnh học... Vì vậy các bệnh da hiếm gặp với bệnh lý phức tạp đã được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có hiệu quả.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng phòng labo chuẩn là đào tạo các cán bộ có trình độ, tay nghề cao. Với chiến lược lâu dài, chúng tôi đã gửi các cán bộ đi đào tạo, học tập ở nước ngoài, đồng thời mời các chuyên gia có kinh nghiệm từ các nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, …) sang giúp đỡ tại chỗ nên trong 10 năm qua chúng tôi đã có một đội ngũ bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên có trình độ và tay nghề cao, đảm nhận và thực hiện thành thạo, có chất lượng các kỹ thuật hiện đại.
PV: Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật trong điều trị bệnh da của ngành Da liễu trong những năm gần đây?
PGS.TS Trần Hậu Khang: Trong những năm gần đây Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuyến cao nhất về chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng các bệnh da đã có những bước tiến đáng kể trong điều trị, đặc biệt là các bệnh da hiếm gặp, khó chẩn đoán, hay tái phát,...
Được trang bị các loại máy Laser hiện đại, chúng tôi đã điều trị có hiệu quả các “bớt” sắc tố bẩm sinh, u mạch máu, sẹo quá phát, sẹo lồi. Các loại ung thư da được phẫu thuật theo phương pháp mới (Moh’s surgery) nên rất hiệu quả, đảm bảo thẩm mỹ và tỉ lệ tái phát rất thấp. Các phương pháp vật lý trị liệu, phẫu thuật thẩm mỹ, phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong và những người có các khiếm khuyết về da cũng được áp dụng thành công. Phương pháp sử dụng các sản phẩm tế bào gốc đã được thực hiện điều trị một số bệnh như rụng tóc, sẹo trứng cá, rám má... đạt kết quả khá tốt. Ngoài ra, các bệnh khó điều trị như vảy nến, luput ban đỏ, pemphigus, viêm da cơ địa... cũng đã được áp dụng các phương pháp điều trị mới và đạt được những kết quả rất khả quan.
Ngoài ra, một trong những thành tựu lớn nhất của ngành da liễu trong những năm qua là hạ thấp tỉ lệ lưu hành bệnh phong để tiến tới mục tiêu cuối cùng là thanh toán bệnh phong trong tương lai.
PV: Với vai trò là người đứng đầu ngành da liễu, xin ông cho biết hệ thống đào tạo nhân lực và mạng lưới hoạt động của chuyên ngành da liễu ở Việt Nam?
PGS.TS. Trần Hậu Khang: Chuyên ngành da liễu có một hệ thống, mạng lưới hoạt động từ trung ương xuống cấp cơ sở. Tại các bệnh viện da liễu trung ương và khu vực có các phòng chỉ đạo chuyên khoa phụ trách công tác chỉ đạo tuyến, giám sát, đào tạo,... trong công tác chống phong, các bệnh LTQĐTD và bệnh da.
 Xóa bớt thẩm mỹ
Mỗi một tỉnh có các đơn vị da liễu như: Bệnh viện Da liễu, Trung tâm Da liễu, Khoa Da liễu trong Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Khoa Da liễu trong Bệnh viện Đa khoa, trong các Trung tâm phòng chống bệnh xã hội hay Trung tâm Y học Dự phòng. Tại cấp huyện có ít nhất 1 cán bộ phụ trách da liễu, đặc biệt là công tác phòng chống phong và STD. Có được hệ thống này là nhờ chiến lược đào tạo cán bộ chuyên khoa từ các trường đại học, bệnh viện da liễu tuyến trung ương. Chính vì vậy số lượng bác sĩ da liễu trong những năm qua đã tăng một cách đáng kể. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ, chúng tôi cũng có kế hoạch hàng năm gửi các bác sĩ trẻ ra nước ngoài đào tạo, nâng cao tay nghề. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa để hội nhập quốc tế.
PV: Qua báo SKĐS, xin ông cho biết quá trình lão hóa của da và cách chăm sóc da bằng các công nghệ mới nhất ?
PGS.TS Trần Hậu Khang: Tất cả chúng ta ai cũng muốn có một làn da trẻ, khỏe, đẹp nhưng ít ai biết được rằng da là bộ phận phản ánh rõ nét nhất sức khỏe, tinh thần của một con người. Cũng như tất cả các bộ phận khác trong cơ thể, da cũng bị già, lão hóa theo tuổi đời. Tuy nhiên nếu không có sự hiểu biết về quá trình lão hóa của da thì không thể có một kế hoạch chăm sóc và dưỡng da có hiệu quả lâu dài.
Quá trình lão hóa của da trải qua 5 giai đoạn qua từng lứa tuổi. Bắt đầu là giảm độ ẩm, khô da từ năm 25 tới 29 tuổi. Đây là giai đoạn sớm rất khó nhận biết. Vì vậy nếu không có phương pháp chăm sóc, bảo vệ tốt thì tiến trình lão hóa sẽ tiếp tục và tăng lên từ năm 30 tuổi với sự giảm trao đổi chất và tái tạo các thành phần. Vì vậy bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn ở khóe mắt, quanh miệng và tàn nhang.
Đến năm 36 tuổi bắt đầu có sự suy giảm các sợi chun (elastin) và collagen, bắt đầu giảm sự đàn hồi của da. Giai đoạn này cần có sự kiên trì với các phương pháp hỗ trợ đặc biệt để ngăn chặn sự lão hóa nhanh của da.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là đến giai đoạn thứ 4 và thứ 5 (từ 40 đến 50 tuổi) vì giai đoạn này ảnh hưởng của tuổi tác, khí hậu, môi trường, nội tiết... da bắt đầu nhão, xệ, xơ, xuất hiện nhiều nếp nhăn, vết thâm,... rất khó khăn trong việc phục hồi.
Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải có chương trình, kế hoạch bảo dưỡng, chăm sóc da để ngăn chặn, làm chậm lão hóa da từ khi còn trẻ. Nếu để chậm, khi đã xuất hiện các vết nhăn, rám má, giảm sự đàn hồi thì sự hồi phục là rất phức tạp. Hiện nay có nhiều phương pháp chăm sóc, chống lão hóa da như: Đắp mặt nạ collagen, uống collagen, sử dụng sản phẩm tế bào gốc, ánh sáng trị liệu,... Tuy nhiên, trước khi chuẩn bị cho mình một liệu trình chăm sóc da bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa để các bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, tư vấn để đưa ra các phương pháp phù hợp với các sản phẩm hợp với loại da của bạn.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

(SKDS) -  Mùa hè nắng nóng, mưa giông thất thường tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại nấm gây bệnh phát triển. Nhưng mùa hè lại là mùa du lịch, nghỉ mát nên bạn cần phải đề phòng các bệnh nấm da vì khi đi du lịch, dã ngoại, tắm biển, da của bạn dễ bị nhiễm nấm và mắc bệnh.

Nấm thường lây trực tiếp
Các loại bệnh nấm da thường lây trực tiếp khi da của bạn tiếp xúc với bào tử nấm, sợi nấm trong thiên nhiên, trong không khí, đất, nước hoặc từ thực vật... hoặc khi bạn tiếp xúc với súc vật bị nấm như chó, mèo, trâu, bò, dê cừu... Những yếu tố thuận lợi để bệnh lây lan là: da của bạn bị tổn thương, mồ hôi lép nhép làm bở lớp sừng, cọ sát da làm xung huyết, nhất là trong điều kiện thiếu vệ sinh, ít tắm giặt, để cho nha bào, sợi nấm bám vào da có đủ thời gian nảy nở và phát triển thành bệnh.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Biểu hiện một số bệnh nấm da thường gặp
Nấm cryptococcus neoformans gây viêm da là các vết loét có ranh giới rõ, hình tròn hoặc đa cung, ở giữa màu đỏ tím, xung quanh có quầng màu hồng, dưới là dịch và mủ. Tổn thương có thể lan rộng rồi có thể hoại tử và thành vết loét nông, tiến triển mạn tính.
Nấm Actinomyces gây bệnh ở vùng cổ, mặt, ngực, bụng: tổn thương ban đầu xuất hiện một hay nhiều cục ở dưới da, thường cứng chắc, không đau, gắn với nền sâu, sau dính với mặt da trên, thường có màu hồng, dần dần thành gôm mềm, nhũn ở giữa và dò mủ. 
Nấm Candida gây bệnh nứt mép: mép đỏ, nứt và loét trợt, hay kèm theo tưa trong miệng và có thể lan ra cả mặt. Viêm các kẽ như bẹn, nách, dưới vú, khoeo, khuỷu và ngón tay, kẽ ngón chân. Tổn thương là những vết đỏ, ranh giới rõ, hơi gồ cao, có vảy, có khi có mụn nước hoặc mụn mủ. Bề mặt thương tổn đỏ và ướt, bờ không đều, nham nhở, xung quanh có một viền vảy mỏng dễ bong. Nấm còn gây rụng tóc và không mọc lại; viêm móng do Candida.
Nấm penicillium gây tổn thương ở da, ở cơ cũng có thể xuất hiện những nốt sẩn giống như u mềm lây, dạng trứng cá mụn mủ, cục, hạt, loét và có áp-xe dưới da.
Các biện pháp phòng bệnh
Khi phát hiện có một số triệu chứng của bệnh nấm da nói trên, bạn phải đi khám và điều trị ở khoa da liễu bệnh viện vì điều trị bệnh nấm cần thời gian lâu dài và sử dụng thuốc kháng nấm thích hợp.

Phòng bệnh nấm da chủ yếu là các biện pháp vệ sinh. Bạn cần tắm rửa sạch sẽ bằng nước sạch hàng ngày, dùng xà phòng có độ kiềm thích hợp với độ pH của da khoảng 4,5 - 5,5; tránh xà phòng có độ kiềm cao quá làm khô da, giảm sức chống đỡ của da. Đối với người chế biến thực phẩm, hoa quả, bia thì cần phòng nhiễm nấm men gây viêm da bằng cách đeo găng tay, chân đi ủng. Hết giờ làm việc phải rửa sạch tay chân và lau khô, chú ý ở đầu móng, nếp, kẽ ngón tay, kẽ ngón chân, thay tất hằng ngày. Khi có người bị nấm da thì nên cách ly, luộc quần áo, lộn trái quần áo khi phơi nắng. Không dùng chung quần áo, giường chiếu, chăn màn, mũ, lược, khăn quàng, giày tất.  

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

(SKDS) – Việt Nam là một đất nước nhiệt đới đón nhận rất nhiều ánh sáng mặt trời, đặc biệt là vào mùa hè. Vì vậy, các bệnh da gây nên do ánh sáng mặt trời và các bệnh da nặng lên do ánh sáng mặt trời ở nước ta là khá phổ biến.
Nhóm các bệnh da có biểu hiện ngứa liên quan tới ánh sáng mặt trời vốn đã tồn tại từ rất lâu, nó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chúng tôi xin giới thiệu một vài bệnh da phổ biến hay gặp vào mùa hè.


 Tổn thương da do vết cắn của bọ chét.
Côn trùng đốt:
Mùa hè nóng ẩm là điều kiện rất tốt cho các loại côn trùng phát triển như muỗi, bọ chét... Một số bệnh nhân có hiện tượng dị ứng với chất tiết của côn trùng tại vết đốt, dẫn đến phản ứng mạnh hơn so với người bình thường. Biểu hiện là: tại vị trí vết đốt nhanh chóng xuất hiện sẩn đỏ phù nề, ngứa nhiều. Thương tổn không chỉ xuất hiện tại vết đốt mà còn lan cả sang vùng da lành với các sẩn đỏ, mụn nước nhỏ ngứa nhiều. Thương tổn thoái lui để lại dát thâm. Bệnh tái đi tái lại nhiều lần tạo nên hình ảnh tổn thương ở các vùng da hở.
Mày đay do ánh sáng: Bệnh nhân bị nổi các sẩn phù tại vùng da tiếp xúc với ánh nắng, ngứa nhiều. Tiến triển cấp tính, xuất hiện nhanh và thoái lui nhanh khi bệnh nhân đi vào nơi bóng mát.
 Sẩn ngứa do ánh sáng: Ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng như mặt duỗi cẳng tay, cẳng chân, mu tay, mu chân, mặt, tam giác cổ áo... xuất hiện các sẩn chắc, dày sừng, ngứa nhiều. Bệnh nặng lên vào mùa hè và thoái lui vào mùa thu, mùa xuân
 Mày đay do ánh sáng thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng.
Điều trị và phòng bệnh
Loại bỏ căn nguyên gây bệnh: Sử dụng thuốc diệt côn trùng, đi ngủ nằm màn (trong trường hợp bị côn trùng đốt); tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, sử dụng các loại kem chống nắng (nếu bệnh nhân bị mày đay ánh nắng hoặc sẩn ngứa do ánh nắng), mặc quần áo dài tránh bị côn trùng đốt.

Điều trị triệu chứng: Sử dụng corticoid bôi tại chỗ; thuốc kháng histamin uống để giảm ngứa; uống các loại vitamin: C, B; ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước.  

(SKDS) – Với khí hậu nắng nóng, ẩm ướt của mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, côn trùng, ký sinh trùng phát triển... Đây cũng là cơ hội để một số bệnh da có cơ hội phát triển hơn trong mùa này.

Rôm sảy
Là một trong những bệnh da phát triển khi thời tiết nóng bức với biểu hiện nổi nhiều đốm đỏ li ti gây ngứa mạnh ở các vùng ra nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ... Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập gây nên hiện tượng viêm da (hay rôm sảy) và cũng chính thời tiết nóng bức thường gây tiết mồ hôi nhiều. Nếu mồ hôi không thoát hết sẽ gây ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, các ống này bị bụi hay chất cặn bã bịt kín gây nổi các nốt viêm.
Rôm sảy xuất hiện ở mọi đối tượng, tuy nhiên, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ do trẻ em có làn da mỏng và nhạy cảm hơn. Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Nhưng cũng có nhiều trẻ ít được chú ý tắm rửa, mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Bệnh chữa trị đơn giản bằng cách giữ da sạch thoáng vào các ngày hè. Kinh nghiệm dân gian dùng mướp đắng giã nát pha với nước hoặc vò nát  (giã) kinh giới, hay sài đất với nước... rồi dùng nước này để tắm có tác dụng làm sạch da. Ngoài ra, có các loại phấn thuốc, phấn rôm, thuốc bôi, nhằm duy trì độ sạch của da, cản bụi nhằm phòng ngừa rôm sảy.

 Rôm sảy nhiễm khuẩn.
Bệnh chốc
Bệnh chốc lây do liên cầu, thường gặp ở trẻ em, có khi ở cả người lớn ở vùng đầu mặt sau có thể lan ra thân mình, tay chân. Tổn thương là bọng nước vài mm, bùng nhùng sau vài giờ thành mụn mủ rồi vỡ thành chợt đỏ nông, đóng vẩy tiết vàng kiểu mật ong rồi lành. Dịch mủ chảy ra có thể lây lan ra vùng khác. Một số trường hợp có biến chứng cầu thận cấp.
Cần chấm rửa vết thương bằng dung dịch berberin 1%o, nước lá chè tươi, bôi dung dịch xanh-methylen 1% hoặc tím metin 1%, hoặc betadin. Khi thương tổn đã khô chuyển sang bôi thuốc mỡ kháng sinh như tetraxyclin, fucidin, bactroban. Uống một đợt kháng sinh (nếu cần) để bệnh nhanh khỏi và tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận.
Đinh nhọt
Căn nguyên do tụ cầu vàng độc tính cao gây viêm toàn bộ nang lông. Nang lông bị hoại tử tạo thành “ngòi”. Biểu hiện lâm sàng là một khối đỏ viêm sưng tấy (1-5cm đường kính), đau, ban đầu cứng, sau mềm dần hoá mủ, tạo ngòi. Sau 8-10 ngày vỡ mủ thoát ngòi rồi lành sẹo. Triệu chứng toàn thân có khi sốt, mệt mỏi nhất là khi nhọt to hoặc nhiều nhọt.
Ở giai đoạn u tấy đỏ đau còn cứng chấm cồn iod 5% (chú ý không chích nặn sớm), uống hoặc tiêm kháng sinh tuỳ mức độ. Đến khi hoá mủ hoàn toàn chích nặn mủ ngòi để nhọt mau lành. Uống kháng sinh và thay băng đến khi lành.
Cần lưu ý nhọt ở vùng cằm mép gọi là “đinh râu” rất nguy hiểm dễ gây nhiễm khuẩn huyết không được chích nặn, chấm cồn iod 3-5%. Tiêm, uống kháng sinh liều cao và theo dõi chặt chẽ.

“Hậu bối” là cụm đinh nhọt có nhiều mủ, nhiều ngòi và có quá trình hoại tử phần mềm, thường ở người già yếu, suy giảm miễn dịch, đám tổn thương có đường kính từ 5-15cm, viêm tấy đỏ, có nhiều mủ, nhiều ngòi về sau hoại tử, có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, cần đi khám tại bệnh viện. Dùng kháng sinh liều cao và phối hợp kháng sinh, thay băng hàng ngày.

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

(SKDS) - Cùng với sự phát minh mới về kỹ thuật, ứng dụng ánh sáng trong điều trị nói chung và bệnh da nói riêng đang đem lại kết quả tốt, chi phí thấp và an toàn, ứng dụng ánh sáng tại Việt Nam cũng đã được triển khai tại các cơ sở chuyên khoa da liễu, tuy nhiên, có những trường hợp không nên sử dụng phương pháp này mà có thể thay thế bằng những biện pháp khác phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như tình trạng bệnh đang mắc phải.

Việc ứng dụng ánh sáng trong điều trị bệnh đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu mới sử dụng ánh sáng mặt trời. Sau thế kỷ 19, ánh sáng tử ngoại mới được nhận biết. Hiện nay, ứng dụng ánh sáng (quang trị liệu và quang hoá trị liệu) trong điều trị bệnh da rất đa dạng như điều trị bệnh vảy nến, bạch biến, viêm da cơ địa, rụng tóc thể mảng, sẩn cục, xơ cứng bì khu trú, lichen phẳng...
Một số phương pháp điều trị bệnh da bằng ánh sáng
Điều trị bệnh da bằng ánh sáng là phương pháp sử dụng ánh sáng (chủ yếu là tia cực tím) để điều trị bệnh da, trong đó, quang trị liệu là phương pháp điều trị sử dụng ánh sáng tương tác với chất/phân tử nội sinh nhạy cảm ánh sáng; quang hóa trị liệu là phương pháp điều trị sử dụng ánh sáng tương tác với chất/phân tử ngoại sinh nhạy cảm ánh sáng; quang động lực là phương pháp sử dụng chất nhạy cảm ánh sáng, oxy và ánh sáng để gây nên phản ứng quang hóa phá hủy tế bào ung thư.

 Người mắc bệnh pemphigus có thể bị nặng lên khi chiếu tia UV.
Quang trị liệu:
Hiện nay, các phương pháp được sử dụng là UVB dải rộng, UVB dải hẹp. UVB dải rộng sử dụng tia tử ngoại bước sóng trung bình 290-320nm, chủ yếu tác động vào lớp thượng bì nhưng thường gây đỏ da nhiều, dễ có tác dụng phụ. Trong khi đó, UVB dải hẹp có bước sóng ở khoảng 300-313nm có tác dụng nhất nên việc sử dụng UVB dải hẹp được sử dụng rộng rãi hiện nay rất có hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến.
Quang hóa trị liệu PUVA: Phương pháp điều trị sử dụng chất nhạy cảm ánh sáng (psoralen) và tia bức xạ không ion hóa có bước sóng dài (UVA). Các dạng điều trị PUVA bao gồm uống, bôi và tắm psoralen. Cách thức và thời gian sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc đối với mỗi bệnh nhân. Số lần chiếu trong tuần 2-3 hoặc 4 lần/tuần.
Điều trị quang động lực (photodynamic therapy): sử dụng chất nhạy cảm ánh sáng là thuốc được sử dụng ở dạng bôi tại chỗ, uống hoặc tiêm tĩnh mạch như aminolevulinic acid (ALA)... Ứng dụng điều trị trong các bệnh: dày sừng ánh nắng ở mặt và da đầu; ung thư tế bào đáy; bệnh bowen; vảy nến...
Những trường hợp nào không được điều trị bằng ánh sáng
Những phụ nữ có thai và cho con bú tuyệt đối không sử dụng điều trị bằng phương pháp PUVB. Ngoài ra, người có tiền sử bệnh bị khối u ở da, bệnh có rối loạn sửa chữa nhân (khô da sắc tố, hội chứng cockayne gây rối loạn quá trình này). Người có tiền sử bệnh được điều trị trước đó bằng tia xạ, arsenic hay người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống đều không sử dụng phương pháp này.

Một số trường hợp được bác sĩ chỉ định tương đối như một số bệnh có thể bị nặng lên khi chiếu tia UV như: pemphigus...; đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch; dày sừng ánh sáng; bệnh lý gan thận nặng; đục nhân mắt...  

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới, lại là nước nông nghiệp, người dân phải tiếp xúc nhiều với bùn đất, ẩm ướt kéo dài... Tất cả những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật như vi nấm, vi khuẩn... phát triển để gây bệnh, đặc biệt là  một số bệnh ở da.

Đặc biệt, thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, nên việc nhận biết điều trị là việc làm hết sức cần thiết, trong đó phải kể đến các bệnh như nấm da, viêm kẽ, viêm nang lông, chốc, viêm nang lông, rôm sảy….
Nấm da: một trong những vấn đề y khoa phổ biến ở nước ta, bệnh biểu hiện dưới rất nhiều dạng khác nhau, các thể bệnh thường xuất hiện ở nhiều nơi như da, móng, niêm mạc và tóc, nấm da thường gặp nhất là hắc lào, lang ben, và nấm kẽ chân.

Hắc lào: hay còn gọi là lác có tên khoa học là Dermatophyte do 3 loại nấm Trichophyton, Epidermophyton và Michosporum gây nên, sự khác biệt giữa 3 loại nấm này chỉ phân biệt được ở phòng thí nghiệm mà thôi. Vị trí thường gặp nhất là ở bẹn (nấm bẹn), ở thân (nấm thân) và ở chân người ta gọi là nấm chân. Các loại nấm này đều có chung triệu chứng là ngứa sau đó xuất hiện mảng đỏ gọi là mảng hồng ban, có hình tròn nên dân gian gọi là lác đồng tiền, đôi khi hình bầu dục, có bờ viền rõ rệt, trên bờ viền có mụn nước nhỏ, mảng đỏ lớn dần, ở vùng trung tâm có xu hướng lành, da sậm màu hơn và tróc vảy nhẹ. Bệnh ngứa nhiều, nhất là về đêm, bệnh không điều trị kịp thời sẽ lây lan ra nhiều vị trí khác. Về điều trị, thường được dùng thuốc thoa tại chỗ như Canesten dạng kem, thoa 2 - 3 lần/ngày, thoa trong 2 - 4 tuần hoặc Nizoral dạng kem thoa 1 lần /ngày, thoa trong 3 - 4 tuần. Kết hợp với thuốc uống như Itraconazol với biệt dược là Canditral hay Sporal, uống với liều 100mg (1 viên) x 2 viên, uống một lần trong ngày, uống trong 7 ngày, hoặc 1 viên uống trong 15 ngày. Về phòng bệnh, luôn giữ da khô sạch, tránh gãi gây trầy xước trên da, không nên mặc quần áo ẩm ướt, quá chật, quần áo, khăn tắm phải giặt, phơi nắng, ủi kỹ ở mặt trong, khi phát hiện bệnh phải được điều trị sớm, đúng thuốc, đủ thời gian và điều trị cùng lúc cho cả người trong gia đình và tập thể, để dập tắt nguồn lây, không dùng quần áo, khăn lau chung  với người bệnh. Lang ben: một bệnh do vi nấm gây nên, có tên khoa học là Pityrosporum Orbiculaire mà trước kia người ta gọi là Malassezia furfur. Bệnh có triệu chứng cơ bản là dát đổi màu thường khởi đầu ở nang lông, từ từ lan ra thành mảng, giới hạn rõ, có thể hình hình đa cung hay ngoằn ngoèo, do biểu hiện chủ yếu là đổi màu của da nên còn gọi là nấm đổi màu (Tinea Versicolor). Sự thay đổi màu sắc này là do Pityrosporum Obiculaire tiết ra acid Azelaic, làm ức chế quá trình tổng hợp hắc tố melanin từ Tyrosin, dẫn đến đổi màu ở da; có màu trắng, hồng hoặc nâu đen, tùy thuộc vào vị trí và độ dày của da. Màu trắng hoặc hồng thường gặp ở vùng phơi bày ánh sáng như  ở mặt, ngực, chi trên… Màu đen hay nâu thường phân bố vùng da non hoặc vùng kín ở nách - đùi. Ngoài dát đổi màu còn có vảy mịn, nhẹ, cạo tróc như vỏ bào nên còn gọi dấu hiệu mụn bào, người bị lang ben thường không ngứa hoặc ngứa ít và có  cảm giác như châm chít khi ra mồ hôi.
Lang ben rất dễ điều trị nhưng hay tái phát, có thể do điều trị không đúng thuốc, không đủ liều hoặc thoa thuốc còn sót trong những vùng nhiễm nấm nhưng chưa đổi màu, hoặc không chú ý nguồn tiếp tục lây như quần áo đã nhiễm nấm trước đó hay người thân trong nhà, cũng cần nên nhớ rằng thuốc Griseofulvin ngày nay hầu như không có tác dụng với lang ben. Thuốc uống  dùng Itraconazol 100mg x 2 viên uống 1 lần /ngày, uống trong 7 ngày, hoặc Ketoconazol (Nizoral) 200mg x 1 viên/uống trong 10 ngày, uống trong lúc ăn. Thuốc thoa thường Canesten dạng kem thoa 2 lần/ngày thoa trong 4 tuần, hoặc Lamisil 1% dạng kem thoa 2 lần /ngày thoa trong 2 tuần.Về phòng bệnh, tắm Selsun  mỗi tuần 1 lần, mỗi tháng uống 2 viên Ketoconazol 200mg, uống trong 6 tháng, không dùng quần áo, khăn lau chung với người bệnh.
Bệnh viêm kẽ ngón chân: do nấm thường do vi nấm hạt men Candida gây nên, do môi trường ở kẽ ngón chân ẩm thấp làm vi nấm phát sinh, bệnh phát sinh do mang vớ kín ẩm suốt ngày, dẫn đến viêm kẽ do da ẩm thấp, mắc mưa càng làm bệnh nặng thêm. Candida là vi nấm hạt men sống ký sinh ở da người, không gây bệnh, gặp điều kiện thuận tiện như môi trường ẩm ướt, nấm sẽ phát triển và gây bệnh, nhất là ở vị trí kẽ ngón chân thứ tư và năm. Bệnh có biểu hiện  da trở nên đỏ hồng, rướm máu, quanh rìa da bị mủn  có màu trắng, ít ngứa, có cảm giác hơi đau rát, nếu tổn thương kéo dài gây ngứa và dịch tiết có mùi hôi rất khó chịu.  Về phòng bệnh,  cần đảm bảo vệ sinh chân, không đi giày- vớ trong thời gian dài nhất là khi giày hay vớ ẩm ướt, rửa chân sạch bằng xà phòng và lau khô chân sau khi tiếp xúc với nước bẩn, nước cống rãnh, dùng thuốc khử có iod như Betadine, nước muối, các loại bột diệt nấm ở bàn chân và kẽ ngón chân, luôn giữ cho kẽ ngón chân khô ráo, tránh đi mưa.
Bệnh ngoài da thường không nặng nhưng gây khó chịu cho người bệnh, bệnh thường diễn tiến nhanh trong môi trường ẩm ướt và bội nhiễm nặng do thiếu vệ sinh; cho nên cần giữ cơ thể sạch sẽ, khô, tránh ẩm ướt, mặc quần áo rộng, thoáng, tránh tạo môi trường ẩm khiến cho vi khuẩn, vi nấm phát triển là việc làm cần thiết để phòng các bệnh như phần trên khi vào mùa nắng nóng.
Chốc: bệnh nhiễm trùng da, người lớn thường ít gặp hơn trẻ em,  triệu chứng của bệnh  là mụn nước hay bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh sau thành mụn mủ, vỡ ra và khô đi, đóng mày. Phòng bệnh bằng cách tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và giữ vệ sinh cơ thể, tránh mặc đồ ẩm ướt nhất là với trẻ em.
Viêm nang lông: bình thường trên da của chúng ta có nhiều lông, mọc lên từ các nang lông nằm sâu  dưới  da, các nang lông có nhiệm vụ sinh ra  lông, tuyến mồ hôi trong nang lông tiết mồ hôi và chất bã giúp bài tiết và điều hòa thân nhiệt. Khi nắng nóng, chất bã được bài tiết quá nhiều kết hợp với nhiễm trùng sẽ gây viêm nang lông. Về triệu chứng, viêm nang lông là một bệnh khá đa dạng và có nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là do vi trùng, tuổi phổ biến nhất ở lứa tuổi thanh niên, thường biểu hiện bằng tổn thương da với nốt sẩn nhỏ nhô lên từ các nang lông, lúc đầu có màu hồng, về sau mãn tính thường có màu hơi thâm đen, mỗi nang lông là một sẩn.
Bệnh thường không khỏi tự nhiên, nếu được điều trị bệnh sẽ dần dần khỏi, các sẩn biến mất, da bớt đỏ và sạch trở lại nhưng bệnh cũng rất dễ tái phát. Về điều trị, tại chỗ thường dùng thuốc thoa như Fucidine 2% hay Dalacin T, thoa ngày 2 lần sáng và chiều. Thuốc uống có thể dùng một trong các thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn như: Clindamycine, Minoxycycline… Nếu người bệnh kèm theo ngứa thì dùng thuốc chống ngứa như: Loratadine, Chlorpheniramine, Cetirizine… Ngày nay người ta còn điều trị viêm nang lông bằng công nghệ ánh sáng 3G nhằm hấp thụ melanin để giảm thâm đen, công nghệ này là sự kết hợp giữa sóng IPL và RF, có khả năng hấp thụ hắc tố trên da, giúp da sáng hơn, khắc phục tình trạng vết thâm và sẹo .
Rôm sảy: bệnh rất thường gặp vào mùa hè, với thời tiết nắng nóng, do sự tăng tiết và ứ đọng mồ hôi, tạo nên phản ứng viêm nhiễm da, bệnh thường gặp ở trẻ em, với biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti, khu trú chủ yếu ở trán, cổ, ngực, lưng, các mụn nước vài ngày sau vỡ ra, để lại các vảy nhỏ trên da; rôm sảy xuất hiện nhiều ở các trẻ em không được tắm rửa hằng ngày, hoặc quấn tã lót quá nhiều, hoặc ở những trẻ mới sinh được người nhà có thói quen cho nằm than, hay nằm lửa, bệnh rất dễ gây một số biến chứng như viêm da nhiễm trùng, mưng mủ. Để khắc phục tình trạng này, cần tạo môi trường thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo, tắm rửa đều đặn và hợp lý, có thể tắm với dung dịch Lactacyd BB, hoặc bôi các chế phẩm làm dịu da, trong trường hợp ngứa nhiều, có thể sử dụng thuốc kháng dị ứng thích hợp, nếu có viêm nhiễm, mưng mủ, cần đưa bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa.
Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -