Hiển thị các bài đăng có nhãn phong chong benh tim mach. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phong chong benh tim mach. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013


Theo thống kê, tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh cao huyết áp vào khoảng 16%. Bệnh cao huyết áp nặng dễ dẫn đến những biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận.
Đáng lưu ý bệnh cao huyết áp thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân chỉ phát hiện tình cờ hoặc khi có biến chứng. Cùng với cao huyết áp, bệnh mạch vành cũng đang gia tăng ở nước ta, do liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống và làm việc. Ước tính có hàng triệu người Việt Nam mắc bệnh mạch vành và khoảng 10% số đó tử vong do nhồi máu cơ tim.
Bạn quan tâm đến bệnh cao huyết áp và bệnh mạch vành vì bạn hoặc người thân trong gia đình bạn có nguy cơ mắc các bệnh này? Hoặc bạn, người thân của bạn, đang mắc bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành cần tìm hiểu rõ hơn về bệnh và cách phòng ngừa để bệnh không tiến triển xa? Hai chuyên gia tim mạch tên tuổi: Phó giáo sư – tiến sĩ Võ Thành Nhân – trưởng khoa tim mạch can thiệp bệnh viện Chợ Rẫy, và Thạc sĩ – bác sĩ Hồ Quỳnh Quang Trí – trưởng khoa hồi sức Viện Tim TP.HCM tham gia buổi giao lưu trực tuyến: “Phòng chống bệnh tim mạch, sát thủ lạnh lùng” diễn ra từ lúc 9 giờ đến 11 giờ ngày thứ bảy, 27.9.2008 tại toà soạn Sài Gòn Tiếp Thị. Tại buổi giao lưu này, các chuyên gia làm rõ những vấn đề xoay quanh việc thay đổi lối sống và dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh, cách sống chung hòa bình với bệnh, cách nhận diện những triệu chứng nguy hiểm để đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời… Và còn nhiều khía cạnh khác liên quan cần được làm sáng tỏ: Đời sống tình dục đối với người mắc bệnh tim mạch như thế nào? Người bệnh tim có thể sinh con được hay không? Cao huyết áp là bệnh di truyền? Nhồi máu cơ tim chỉ là chuyện của nam giới, nữ giới không bao giờ mắc?…
Kính xin bác sĩ vui lòng cho tôi được biết: tại sao lại có triệu chứng NGOẠI TÂM THU (tim đập vài nhịp lại ngưng một nhịp). Chứng bệnh này có nặng không? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Mạnh Tường)
BS Quang Trí: Ngoại tâm thu có nghĩa là nhát tim đập sớm. Đó có thể là biểu hiện của nhiều rối loạn khác nhau từ nhẹ đến nặng (Tình trạng cường giao cảm, bệnh mạch vành, suy tim,…). Ngoại tâm thu có nguy hiểm hay không là tuỳ thuộc bệnh tim nền. Bạn nên đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh và điều trị thích hợp.
Tôi 52 tuổi, bị đau đầu dữ dội, đo huyết áp lên tới 170/118, phải đi cấp cứu, qua xét nghiệm bác sĩ kết luận: rối loạn tiền đình, rối loạn tiền mãn kinh, viêm xoang sàng 2 bên dày đặc, đau đầu do “vận mạch”; mặc dù đã uông thuốc nhưng bệnh chỉ bớt tạm thời chứ không hết, hiện đầu vẫn cứ đau âm ỉ hoài và huyết áp không ổn định. Xin bác sĩ cho lời khuyên, cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thiên Ân)

Sơ đồ hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch máu
BS Quang Trí: Huyết áp của ông 170/118 là rất cao. Ngoài việc gây ra triệu chứng chóng mặt, đau đầu, huyết áp cao không được điều trị tốt sẽ làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim (đau tim). Ông nên đến khám tại một cơ sở chuyên khoa (khoa tim mạch các bệnh viện trong thành phố hoặc Viện tim) để được khám chữa bệnh thích hợp. Bệnh tăng huyết áp là bệnh mãn tính nên phải điều trị suốt đời. Ngoài ra khi đến khám, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để phát hiện các bệnh kèm theo (đái đường, rối loạn lipid máu) và điều trị.
Vợ tôi 26 tuổi, gần ngày sinh con được bác sĩ kết luận bị tiền sản giật nhẹ vì huyết áp cao. Sau đó do nhau quấn cổ nên phải mổ lấy bé. Sau khi sinh xong, nằm viện theo dõi 5 ngày thì huyết áp ổn định. Nhưng khi về nhà, đo huyết áp thì rất cao. Bác sĩ cho hỏi, liệu vợ tôi có bị huyết áp về sau không? Có cách nào tránh được không? Từ trước đến giờ vợ tôi chưa từng bị cao huyết áp. (Nguyễn Vinh Phú)
BS Quang Trí: Tiền sản giật là tăng huyết áp xuất hiện sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, thường kèm theo phù và tiểu đạm. Thông thường những phụ nữ bị tiền sản giật có huyết áp trở về bình thường sau khi sinh. Nếu sau khi sinh khá lâu rồi mà huyết áp vẫn cao thì nên đi khám tại cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị thích hợp.
Có một mẩu tin đăng báo (không nhớ rõ xuất xứ) là thuốc tim mạch kị với bưởi vì có những hoạt chất hóa giải lẫn nhau, trong khi ăn bưởi lại có lợi cho việc chữa bệnh tim mạch. Xin bác sĩ cho biết có đúng như vậy không? Nếu đúng thì tại sao? Chân thành cảm ơn bác sĩ! (Le Bao)

Bs. Thành Nhân: Không có chứng cứ nào cho thấy ăn bưởi có lợi cho việc chữa bệnh tim mạch. Nói chung, ăn các loại trái cây tươi giàu vitamin (chứ không phải chỉ là bưởi) đều có lợi cho sức khỏe. Mặt khác, có nhiều nghiên cứu cho thấy nước bưởi uống chung với một số thuốc tim mạch thì có thể làm giảm hoạt tính của thuốc. Tuy nhiên cũng nên nhớ là trong các nghiên cứu này người ta dùng nước từ trái bưởi Tây chứ không phải trái bưởi của Việt Nam. Dù sao, nếu thận trọng thì nên ăn bưởi cách xa các cữ uống thuốc vài giờ đồng hồ.
Chào các bác sĩ, em mắc bệnh này (có phải gọi là bệnh không?): cứ mỗi khi em uống cafe buổi sáng là tim em đập nhanh, hơi khó thở hơn khi không uống cafe, đặc biệt là khi uống cafe vào buổi sáng, buổi tối vẫn uống mà không có tình trạng như vậy. Xin bác sĩ cho biết như vậy có bệnh gì về tim không? (Huỳnh Đức Ánh)
BS Thành Nhân: Tim đập nhanh khi uống cà phê không phải là một dấu hiệu của bệnh tim. Đó có thể là do sự nhạy cảm quá mức với chất kích thích có trong cà phê (nói một cách dễ hiểu là do tạng người). Nếu bị cảm giác hồi hộp khi uống cà phê thì hoặc pha cà phê loãng hơn hoặc dùng loại cà phê đã khử caffeine.
Tôi từng bị nhồi máu cơ tim, ghiền cà phê nặng, vậy có nên uống tiếp cà phê không hay nên bỏ? Cám ơn bác sĩ. (Trần Văn Tiến)
BS Quang Trí: Khi xét nghiệm máu để đo nồng độ các loại lipid (chất béo), người ta sẽ cho kết quả của 3 loại lipid là: LDL-cholesterol, HDL-cholesterol và TG. LDL-cholesterol và TG là những lipid ”xấu”, có nghĩa là nồng độ các chất này càng cao thì càng dễ mắc bệnh tim. HDL-cholesterol là lipid “tốt”, nồng độ chất này càng cao thì càng bảo vệ tim. Nếu Ông đã có bệnh mạch vành thì nên duy trì LDL-cholesterol dưới 100mg/dl. Ông cần đi khám tại một cơ sở chuyên khoa (phòng khám tim mạch các bệnh viện hoặc Viện tim) để được điều trị thích hợp. Hiện có nhiều thuốc để điều trị cholesterol cao. Việc lựa chọn thuốc phù hợp là do bác sĩ. Thuốc phải uống rất lâu dài để ngừa các biến chứng của bệnh.
Mẹ tôi 59 tuổi, bị cao huyết áp 10 năm nay. Cách đây 2 tuần mẹ tôi phải nhập viện vì 1 cơn đau thắt ngực dữ dội, bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi bị đau thắt ngực không ổn định, được bác sĩ điều trị đến nay đã xuất viện. Mẹ tôi được bác sĩ cho uống các loại thuốc khác nữa: Crestor, Aspirin và Plavix mỗi ngày. Xin bác sĩ cho biết đau thắt ngực không ổn định có giống nhồi máu cơ tim không? Nặng hay nhẹ hơn? Aspirin và Plavix có công dụng gì? Và mẹ tôi phải uống trong bao lâu?

BS Quang Trí: Đau thắt ngực không ổn định giống nhồi máu cơ tim ở chỗ cả 2 chứng này đều do cục máu đông gây tắc động mạch vành (động mạch nuôi quả tim). Trong đau thắt ngực không ổn định, cục máu đông không gây tắc hoàn toàn động mạch vành; còn trong nhồi máu cơ tim cấp, cục máu đông gây tắc hoàn toàn động mạch vành. Do đó, đau thắt ngực không ổn định nhẹ hơn nhồi máu cơ tim. Dù vậy, nếu không điều trị thích hợp thì nguy cơ chết và biến chứng tim mạch về lâu dài của người bệnh rất cao. Aspirin và Plavix là những thuốc có công dụng ngăn ngừa cục máu đông trong động mạch vành. Sau đau thắt ngực không ổn định, người bệnh phải uống Aspirin suốt đời (nếu dung nạp được) và Plavix trong ít nhất 1 năm.
Năm tôi 26 tuổi, khám sức khỏe định kỳ thấy huyết áp 180/110 mmHg, sau đó được đưa đi làm xét nghiệm tìm nguyên nhân, nhưng cuối cùng kết luận “Cao huyết áp ở người trẻ tuổi” và cho uống thuốc cao huyết áp loại gì tôi không nhớ, trong vòng 10 ngày. Sau đó vì tôi bận làm, hơn nữa lại chẳng thấy mình bị sao cả nên không điều trị nữa. Năm nay tôi 36 tuổi, tôi khám lại thấy huyết áp chỉ dao động ở mức 130/85-140/90 mmHg, tôi không muốn điều trị cao huyết áp có được không? (Tram Huong)
BS Quang Trí: Bạn nên đi khám lại tại một cơ sở y tế để được đo huyết áp đúng kỹ thuật. Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể cho làm thêm một phương pháp chẩn đoán là “Holter huyết áp 24 giờ” để theo dõi liên tục huyết áp của bạn trong 24 giờ, từ đó có thể khẳng định là bạn có tăng huyết áp và cần điều trị hay không.
Tôi bị cao huyết áp hơn 2 năm nay, xin bác sĩ cho biết tôi uống một loại thuốc cao huyết áp lâu ngày có bị lờn thuốc hay tác hại gì không? (Kieu Chinh)
BS Quang Trí: Trong điều trị tăng huyết áp không có khái niệm “lờn thuốc”. Tuy nhiên đôi khi có những bệnh nhân đang có huyết áp ổn định với một thuốc hạ huyết áp đột nhiên bị vọt huyết áp lên. Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân quên cữ thuốc, không kiêng cữ tốt (ăn mặn) hoặc uống kèm một số thuốc có tác dụng tăng huyết áp (ví dụ thuốc co mạch để trị sổ mũi, thuốc kháng viêm). Một số trường hợp có thể là do bệnh tiến triển nặng hơn (ví dụ hẹp động mạch thận mới xuất hiện hoặc tăng nặng, hoặc suy thận tiến triển nặng hơn). Chính vì vậy bệnh nhân tăng huyết áp cần đến theo dõi thường xuyên tại một cơ sở y tế để được điều trị thích hợp.
Kính gửi báo SGTT, vừa qua tôi có đi thử máu tại 248 Nguyễn Chí Thanh – Q.10, kết quả cho biết: Tôi bị cholesterol 3 loại đều cao và banh vành tim. Tim mạch và lượng đường huyết tốt. Nay tôi không biết nên uống thuốc và điều trị lâu dài tại đâu? Chân thành cảm ơn! (Y A KIU)
BS Quang Trí: Khi xét nghiệm máu để đánh giá lượng lipid (chất béo), người ta thường đo nồng độ trong máu của 3 loại lipid là LDL-cholesterol, HDL-cholesterol và TG. LDL-cholesterol và TG là những lipid “xấu”, nồng độ các chất này càng cao thì càng dễ mắc bệnh tim. HDL-cholesterol là lipid “tốt”, nồng độ chất này càng cao thì càng bảo vệ tim. Nếu LDL-cholesterol cao, TG cao và/hoặc HDL-cholesterol thấp thì nên đến khám tại một cơ sở chuyên khoa (Viện Tim TP.HCM hoặc khoa tim mạch các bệnh viện đa khoa) để được điều trị thích hợp.
Hiện nay tôi nghe nói trên nhiều báo đài nói về bệnh huyết khối do xơ vữa động mạch, thưa bác sĩ có phải bệnh này gây ra nhồi máu cơ tim và đột quị không? Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị bệnh này như thế nào?
BS Quang Trí: Bệnh huyết khối do xơ vữa động mạch có nguồn gốc là cục máu đông xuất hiện tại chỗ vỡ của mảng xơ vữa động mạch. Cục máu đông có thể gây tắc động mạch và gây hoại tử vùng mô hoặc cơ quan được tưới máu bởi động mạch này. Nếu cục máu đông xuất hiện và gây tắc động mạch vành (động mạch nuôi quả tim)thì sẽ gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Nếu cục máu đông xuất hiện và gây tắc động mạch ở não thì sẽ gây ra đột quị.
Để phòng ngừa bệnh phải phòng ngừa và điều trị tốt xơ vữa động mạch. Cụ thể là: có lối sống lành mạnh (vận động thể lực thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, ăn ít chất béo, nhiều rau quả, không hút thuốc lá), kiểm soát tốt huyết áp nếu có tăng huyết áp, kiểm soát tốt đường huyết nếu có đái đường và kiểm soát tốt cholesterol nếu có tăng cholesterol. 
Chào bác sĩ, tôi có tiền sử bị bệnh khớp, dạo này tôi thấy đau thắt ở ngực trái rồi có những lúc đau âm ỉ v à cảm thấy rất mệt, như vậy tôi bị đau tim không? (Nguyen Thanh Huong)
BS Quang Trí: Đau ở ngực trái có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: đau tim, đau cơ ngực, đau dây thần kinh, đau màng phổi. Do đó, chỉ dựa vào dấu hiệu đau ngực trái thì không thể xác định có bị đau tim hay không. Bạn nên đến khám tại 1 cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Tôi đo ở nhà chỉ 125/83 mạch 72. Khám ở cơ quan thì lại 165/96 mạch 108. Đo điện tâm đồ bình thường, xin hỏi tại sao? Có phải uống thuốc không? (Võ Đăng Khoa)
BS Thành Nhân: Trị số huyết áp dao động trong ngày chứ không ổn định. Huyết áp thường cao vào buổi sáng và buổi chiều. Hơn nữa, huyết áp còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tình trạng gắng sức, lo lắng, sau khi hút thuốc lá, uống cà phê…. Do đó thông thường thì trước khi đo huyết áp không nên hút thuốc lá, uống cà phê trước đó và nên ngồi nghỉ từ 15 đến 20 phút trước khi đo. Nếu đã loại trừ tất cả các yếu tố làm tăng huyết áp như đã kể trên thì còn 2 nguyên do có thể giải thích được hiện tượng mà bạn đang thắc mắc:
1. Hai máy đo huyết áp không giống nhau, 1 trong 2 máy bị sai hoặc có thể 2 máy đều sai. Máy đo huyết áp chính xác nhất là máy đo thủy ngân.
2. Hiện tượng “áo choàng trắng”: do yếu tố tâm lý một số bệnh nhân khi tiếp xúc với nhân viên y tế thường căng thẳng, lo lắng nên huyết áp tăng.
Trước đây để phòng ngừa hoặc điểu trị việc hình thành huyết khối, aspirine loại 81mg vẫn được dùng. Phải chăng gần đây có hai quan điểm trái ngược nhau về phương pháp điều trị này, một phía cho là tốt, phía khác cho là không. Vậy nên theo bên nào? (VŨ HƯNG)

Phân bố nguyên nhân gây tử vong (nguồn: Tổ chức Y tế thế giới – WHO)
BS Quang Trí: Các nghiên cứu đã chứng minh là Aspirin với liều từ 75 đến 1500mg/ngày có hiệu quả ngăn ngừa huyết khối và phòng ngừa đau tim. Tuy nhiên, liều Aspirin càng cao thì nguy cơ bị tổn thương niêm mạc dạ dày càng lớn. Biểu hiện của tổn thương niêm mạc là loét và đôi khi là xuất huyết tiêu hóa,. Vì lý do đó, hiện nay các thầy thuốc có khuynh hướng dùng Aspirin liều thấp để phòng ngừa đau tim. Viên Aspirin 81mg phù hợp cho việc dùng kéo dài để phòng ngừa đau tim.
Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng phát bệnh nhồi máu cơ tim, cảm ơn! (Diep Cam Ban )

Cấp cứu nhồi máu cơ tim tại BV Đại học Y dược
Bs. Thành Nhân:
Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim:
- Đau giữa ngực sau xương ức
- Tính chất đau thắt hoặc đè nặng làm khó thở
- Cường độ đau: rất nhiều. Bệnh nhân trước khi vào nhồi máu cơ tim thường có các cơn đau thắt ngực trước đó và cường độ đau của lần này là nặng nhất. Đau thường lan lên cổ, hàm dưới và hai tay, thường là tay trái. Thời gian đau kéo dài 15 phút.
- Cơn nhồi máu thường xảy ra sau hoạt động gắng sức thể lực quá mức hoặc xúc động mạnh.
- Thường có những triệu chứng toàn thân đi kèm như vả mồ hôi, cảm giác lo lắng.
- Tuy nhiên trong một số trường hợp các tính chất mô tả trên có thể không đầy đủ hoặc không điển hình.
Xin chào bác sĩ! Tôi năm nay 28 tuổi, Nhịp tim của tôi trung bình 85-90 nhịp/phút (không có chất kích thích như café, thuốc lá, chất có cồn…) từ nhỏ đến bây giờ, tuy nhiên thể trạng tôi vẫn bình thường, sinh hoạt thể thao tuy có hơi mệt nhưng vẫn được. Tôi đã có gia đình và vẫn sinh hoạt đều đặn. Như vậy tôi có phải bị bệnh tim không? Giải pháp tốt nhất là như thế nào? (Dương Thanh Toàn)
BS Quang Trí: Tần số tim mạch trung bình 85 -90 nhịp/phút là hơi nhanh. Tần số tim nhanh có thể là do tạng người (thường gặp ở những người ít vận động thể lực) nhưng cũng có thể là do 1 bệnh (cường giáp, thiếu máu mạn). Nếu là do tạng mạch nhanh thì không nguy hiểm. Nhưng nếu do bệnh thì có thể nguy hiểm nếu không được chữa trị sớm. Bạn nên đi khám tại 1 cơ sở y tế khi có điều kiện.
Bs. Thành Nhân: Nhịp tim bình thường từ 60-100 nhịp/phút. Như vậy, nhịp tim của bạn vẫn còn trong giới hạn bình thường. Vấn đề bạn có bệnh tim hay không thì cần phải khám và làm một số xét nghiệm mới có thể trả lời chính xác.
Cha tôi 65 tuổi, khám tổng quát lấn 1 HA 170/90, lần 2 HA 184/77, kết luận cao huyết áp, tăng axit uric, van động mạch chủ dày nhẹ hở 1/4. Như vậy có nguy hiểm không và chế độ chăm sóc như thế nào cho phù hợp? (Vũ thu Ngà)
BS Quang Trí: Huyết áp đo cả 2 lần như vậy đều là cao. Cao huyết áp nếu không được điều trị tốt sẽ làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận. Do vậy, nên khuyên ông cụ đến khám sớm tại 1 cơ sở y tế để được điều trị thích hợp. Khi điều trị tăng huyết áp phải đưa huyết áp xuống dưới mức 140/90. Ngoài ra, tại cơ sở y tế các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm để phát hiện các bệnh kèm theo (tăng cholesterol máu, đái đường) và điều trị luôn. Cần nhớ là bệnh cao huyết áp là bệnh mãn tính nên phải uống thuốc suốt đời.

Ba tôi 68 tuổi, tiền sử hút thuốc lá, cao huyết áp và tiểu đường đã điều trị nhiều năm nay. Cách đây 1 tháng ba tôi bị nhồi máu cơ tim, nhập viện Chợ Rẫy và được bác sĩ cứu sống bằng phương pháp can thiệp mạch vành. Xin Bác sĩ cho biết: Các loại thuốc nào ba tôi cần phải uống thường xuyên để không bị tái phát nhồi máu cơ tim? Và phải uống trong bao lâu? Chế độ ăn uống và tập luyện cho ba tôi như thế nào? (Lê Quỳnh Châu)
Bs. Thành Nhân: Tất cả các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhập bệnh viện trong khoảng “thời gian vàng” là trong vòng 12 tiếng kể từ khi đau ngực thì đều có chỉ định chụp mạch vành bằng thuốc cản quang, và nếu hình thái tổn thương thích hợp thì đều có chỉ định can thiệp mạch vành. Đây thật sự là phương pháp điều trị tối ưu nhất hiện nay.
Tất cả các loại thuốc mà ba chị cần phải uống thường xuyên dưới sự theo dõi thường xuyên của 1 bác sỹ chuyên khoa để giảm (chứ không chặn đứng được) nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim là Aspirin, Plavix, Statin, Thuốc ức chế Bêta, Thuốc ức chế men chuyển (hoặc ức chế thụ thể Angiotensin 2) và thời gian dùng thuốc là suốt đời. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải ngưng hút thuốc lá hoàn toàn, điều trị tốt tình trạng cao huyết áp (huyết áp dưới 130/80mmHg) và bệnh lý tiểu đường (HbA1C < 7). Chế độ ăn như vậy phải cử ngọt, cử mặn, cử béo, ăn nhiều rau cải và tập luyện thể lực như đi bộ nhiều trong khả năng của bệnh nhân.
Tôi bị mỡ trong máu rất cao, đi BS nói chữa khó hết, nếu giảm được mỡ trong máu thì men gan lại cao. Xin hỏi như vậy có đúng không? Có cách nào chữa hết mỡ trong máu mà không làm ảnh hưởng tới men gan? Cám ơn BS (Vũ Lan Phương, Q3)
BS Thành Nhân: Khi mỡ trong máu cao thì ngoài các biện pháp điều trị không dùng thuốc như luyện tập thể lực, kiêng ăn chất béo, đa số bệnh nhân phải dùng thêm thuốc. Có nhiều loại mỡ khác nhau trong máu có thể cao và tuỳ theo từng loại mỡ mà loại thuốc dùng điều trị cũng khác nhau. Một số thuốc có thể làm tăng men gan ở một số ít bệnh nhân, tuỳ theo liều lượng sử dụng. Do đó, có thể điều trị mà không làm ảnh hưởng tới men gan. Chị nên tới khám ở một bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn cụ thể hơn.
Tôi năm nay 66 tuổi. Bác sĩ chẩn đoán RCTTNCB/SMN/ST2/CMI/HTA huyết áp đã ổn 140/80,chỉ số EF 44%. Tôi đã chụp động mạch vành năm 2006. Xin hỏi bác sĩ: – Bao lâu thì tôi phải chụp lại động mạch vành? Lúc nào thì cần thiết gắn thiết bị trợ giúp 2 buồng thất? Xin cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Đức)
BS Thành Nhân: Tuỳ theo kết quả chụp động mạch vành năm 2006 mà bác sĩ điều trị của bác sẽ cho hướng dẫn cụ thể về thời điểm chụp kiểm tra lại. Chỉ định gắn thiết bị trợ giúp 2 buồng thất tuỳ thuộc vào triệu chứng lâm sàng của bác có cải thiện khi được điều trị hay không, kết quả điện tâm đồ và siêu âm tim. Dựa trên chẩn đoán mà bác đang có, chúng tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại bác chưa có chỉ định đặt thiết bị trợ giúp 2 buồng thất. Tuy nhiên, bác nên theo dõi và điều trị định kỳ đều đặn ở một bác sĩ chuyên khoa.
Khi tập thể dục xong, thời gian tập là 1 giờ. nếu đo liền là 140/80, mạch 84. Nhưng nếu nghỉ khoảng 5′ đo lại thì cũng khoảng 125/82 mạch 72. Khi khám sức khoẻ tại cơ quan là 167/95 mạch 108. Đo điện tâm đồ thì bình thường. Tuy nhiện vào thời gian đó, tôi đo ở nhà thì cũng là 125/82. Xin được hỏi có phải như vậy là tăng huyết áp hay không ? Có phải uống thuốc không. Khi đo tại cơ quan và ở nhà cũng đều bằng máy đo điện tử. (Lê quốc Hưng)

Một ca mổ tim ở Viện Tim TP.HCM. Ảnh: Phan Sơn
BS Quang Trí: Máy đo huyết áp chuẩn là máy dùng cột Hg. Máy đo điện tử có thể cho kết quả không chính xác nếu không được cân chỉnh đúng. Mặt khác, có nhiều người không có bệnh tăng huyết áp nhưng có huyết áp tăng nhiều khi đi khám tại 1 cơ sở y tế. Tình trạng này gọi là “tăng huyết áp áo choàng trắng”. Để xác định có tăng huyết áp hay không, bạn nên đến khám tại 1 cơ sở y tế để được đo huyết áp đúng kỹ thuật. Nếu Bác sĩ nghi ngờ tăng huyết áp áo choàng trắng thì có thể cho làm thêm 1 nghiệm pháp chuẩn đoán là Holter huyết áp 24h. Để làm nghiệm pháp này, phải mang 1 máy đo huyết áp trên người trong suốt 24h. Máy sẽ tự động đo huyết áp mỗi 15-30 phút và ghi nhận lại trong bộ nhớ. Sau khi chấm dứt 24h, người bệnh mang máy trở lại cơ sở y tế và bác sĩ sẽ phân tích kết quả để kết luận là có bệnh tăng huyết áp hay không.
Cách đây 1 năm, tôi có đi đo điện tim và siêu âm, kết quả điện tim bình thường, còn siêu âm cho kết luận : – Sa nhẹ van 2 lá – Hở van 2 lá 1 phần 4 do sa van. Còn các kết quả khác thì bình thường, huyết áp tôi cũng bình thường. Cho hỏi: Tim tôi có bệnh gì không? Nếu có, cách điều trị là như thế nào? Tôi tập thể dục, chạy bộ rất mau mệt và khó thở. Hỏi có nên duy trì tập như vậy nữa hay không? (Phạm Văn Hậu)
BS Thành Nhân:

TS – BS Hồ Huỳnh Quang Trí đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc. Ảnh: A.Q
Dựa trên kết quả các xét nghiệm mà bạn cung cấp, chúng tôi nghĩ cách đây 1 năm bạn chưa mắc bệnh tim. Hiện tại, bạn nên kiểm tra lại. Vấn đề tập thể dục, chạy bộ thì mức độ tập luyện phụ thuộc vào sức bền. Bạn nên tập luyện ở một cường độ mà cơ thể bạn chấp nhận được một cách đều đặn hơn là tập luyện thật tích cực nhưng không đều.
Tôi bị nhồi máu cơ tim và được thông tim sau đó 1 tháng. Hiện sức khỏe tôi cảm thấy bình thường, tôi uống thuốc đã được 2 năm, hàng tháng tái khám tại bệnh viện Chợ Rẫy, siêu âm tim bác sĩ nói tim có bị sẹo, phình mõm, EF simson=50%. Xin bác sĩ cho biết như vậy có suy tim không? Có nguy hiểm lắm không, có nên cắt chỗ bị phình không? Xin cám ơn BS! (Đào Hoàng Đức)
BS Quang Trí: Người ta quy ước EF >= 50% là chức năng tim còn tốt, EF <50% là có rối loạn chức năng tim. Như vậy EF của anh ở ngay giới hạn. Một số trường hợp EF < 50% có biểu hiện mệt, khó thở khi gắng sức, những trường hợp này được xác định là có suy tim. Nhưng cũng có một số trường hợp EF <50% mà người bệnh không có biểu hiện mệt, khó thở khi gắng sức. Nếu anh sinh hoạt bình thường, không có mệt, khó thở khi gắng sức thì không có suy tim. Anh nên tái khám và uống thuốc đều đặn theo toa bác sĩ. Phẫu thuật cắt chỗ phình không cần thiết đối với anh.
1. Huyết áp ban đầu của tôi là 160/80 mm/Hg. Bác sĩ điều trị bằng CEREPRIL 5mg,mỗi ngày ½ viên hơn một năm nay. Hiện nay huyết áp là 130 mm/Hg. Xin hỏi tôi có thể bỏ thuốc này và uống thay thế bằng trà CASORAN của công ty Traphaco không?(thành phần gồm có hoa hòe, cỏ ngọt, dừa cạn, tâm sen, cúc hoa). Nếu được thì liệu trình thay thế như thế nào? 2.Xin cho biết loại máy đo huyết áp điện tử bắp tay hiệu gì có độ chính xác nhất. 3.Với huyết áp như của tôi thì có bắt buộc phải điều trị suốt đời không? (Nguyễn Thị Như Tâm)
BS Thành Nhân: Chúng tôi nghĩ bạn không nên ngưng thuốc bạn đang điều trị vì kết quả hiện đang rất tốt. Hiệu quả của các loại thảo dược trong kiểm soát huyết áp hiện chưa được chứng minh một cách khoa học. Bệnh lý tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính do quá trình lão hoá, nên bạn phải điều trị suốt đời. Về tính chính xác của các loại máy đo huyết áp thì máy đo huyết áp thuỷ ngân là chính xác nhất. Các máy đo điện tử thì tiện dụng nhưng ít chính xác nhất.
Năm 2006 tôi bị hẹp van tim và đã nong van bằng bóng tại bệnh viện Chợ Rẫy khi đang mang thai 6 tháng. Hiện tôi khám định kỳ tại bệnh viện Tâm Đức và đang uống buổi sáng 1/2 viên betaloc zok 25mg và buổi tối là 1/2 vien Micardis 40mg. Kết quả siêu âm tim hiện nay là: hở van 2 lá 2/4,type AII2-IIIP, diện tích hở van 2cm2, chênh áp ngang van 9.5/4mmHg. Không vôi hóa. Hở van 3 lá 2/4 không tăng áp động mạch phổi. Xin hỏi tình trạng tim như vậy thì khoảng bao lâu phải thay van tim. Hiện nay trên thế giới có thể thay van mà không mổ hở được không? Nếu thay van thì ảnh hưởng sức khỏe về sau như thế nào. Xin cảm ơn. (Thái Thị Cẩm Thúy)
BS Quang Trí: Kết quả siêu âm tim của bạn cho thấy nong van 2 lá bằng bóng đã đạt kết quả tốt. Bạn cần được phòng ngừa thấp tim tái phát bằng Penicillin uống hoặc tiêm bắp dài hạn (theo chỉ định của bác sĩ). Nếu phòng ngừa thấp tim tái phát tốt thì sẽ kéo dài được thời gian cho đến lúc phải thay van tim. Có nhiều trường hợp vài chục năm sau khi nong van mới phải thay van tim lại. Hiện trên thế giới chưa có phương pháp thay van 2 lá mà không mổ hở. Đối với tình trạng bệnh của bạn, cần theo dõi bằng siêu âm tim định kỳ mỗi năm.
Thỉnh thoảng tôi bị đau tức giữa ngực, không lan xuống cánh tay hay cho nào khác. Bản thân ít nhậu, ít hút thuốc. Đi điện tim ở Hòa Hảo không phát hiện bệnh gì. Đau từng cơn một lúc rồi hết, lâu lâu mới bị đau. Tôi rất lo lắng, xin hỏi không biết tôi có bị bệnh gì không. Cảm ơn BS! (Phan Bá Quyền)
BS Thành Nhân: Điện tâm đồ ít chính xác, bệnh nhân có thể bị bệnh động mạch vành mà kết quả điện tâm đồ vẫn bình thường. Do đó, bạn cần làm thêm một số xét nghiệm khác. Bạn nên đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn cụ thể hơn vì triệu chứng đau ngực không chỉ do bệnh động mạch vành mà còn có thể do rất nhiều nguyên nhân khác.
1. Có thể phát hiện sớm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim? Nếu có, xin cho biết khám ờ đâu? Chi phí bao nhiêu? 2. Tôi bị cao huyết áp. Bác sĩ cho dùng: 1/Losartan potassium 50mg 2/Simvastatine Biogaran 20mg 3/Metoprolol 100. Dùng lâu dài có ảnh hưởng gì không? Xin cám ơn (Bảo Dũng)

Bs. Thành Nhân: Có thể phát hiện sớm bệnh mạch vành. Bạn nên đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, với chi phí thay đổi tuỳ chỗ khám. Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Do đó, bạn nên đi khám định kỳ, đều đặn ở bác sĩ mà bạn đang điều trị để có thể phát hiện sớm các tác dụng phụ.
Xin được hỏi những dấu hiệu nào cho biết huyết áp đang tăng ngoài cách đo huyết áp? Được nghe uống rượu TỎI rất tốt cho huyết áp, xin hỏi có đúng không (Lê Quốc Phong)
BS Quang Trí: Trong một số trường hợp huyết áp tăng rất cao, người bệnh bị nhức đầu, chóng mặt, chảy máu cam. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp tăng huyết áp người bệnh không có triệu chứng. Sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp chính là ở chỗ này vì người bệnh không triệu chứng nên không đi khám để được phát hiện bệnh. Chỉ khi xuất hiện biến chứng (tai biến mạch máu não, đau tim, suy tim, suy thận), người bệnh mới biết mình có tăng huyết áp. Do đó, người từ 40 tuổi trở lên và những người có tiền sử gia đình bệnh tim sớm từ 30 tuổi trở lên nên đi khám định kỳ để được kiểm tra huyết áp.
Tỏi có tác dụng giảm cholesterol trong máu nhưng rất yếu. Không thể dùng rượu tỏi để điều trị bệnh tăng huyết áp. Hiện có nhiều thuốc rất hữu hiệu trong việc điều trị tăng huyết áp (việc chọn thuốc phù hợp đối với từng người bệnh là do bác sĩ điều trị quyết định).
Kính thưa bác sĩ, tôi bị “nhồi máu cơ tim” vào năm 2000. Khi vào BV đã phát hiện thêm bệnh “đái tháo đường”. Từ khi xuất viện đến nay tôi vẫn thường xuyên khám bệnh theo dõi bệnh tim và đái tháo đường. Hiện tại đường huyết của tôi luôn ổn định từ 110mg đến 120mg/dl. Tôi chưa bị cao huyết áp. Tôi hiện vẫn phải uống thuốc mỗi ngày. Xin hỏi: tôi có thể bị nhồi máu cơ tim trở lại không? Trân trọng. (Trương Thanh Nghị)
BS Thành Nhân: Người đã từng bị nhồi máu cơ tim có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim tái phát. Nếu bị đái tháo đường thì nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát còn cao hơn nữa. Những người đã từng bị nhồi máu cơ tim và có bệnh đái tháo đường có nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát rất cao nếu không điều trị tích cực. Do đó, ông nên uống thuốc đúng theo toa bác sĩ và tái khám rất đều đặn. Các thuốc cần thiết gồm: Kháng tiểu cầu (Aspirin và Plavix), thuốc chẹn bêta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc nhóm Statin và thuốc điều trị đái tháo đường. Nếu điều trị tích cực như vậy sẽ giảm thiểu được nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.
Bệnh rối loạn thần kinh tim thực vật có nguy hiểm không? Khi tôi mất ngủ nhiều thì xuất hiện hiện tượng tim dập nhanh, hồi hộp và thỉnh thoảng đau nhói đột ngột. Huyết áp thấp, ít hoạt động, lao động trí óc, rất mong bác sĩ tư vấn giùm. Cám ơn (Nguyen Khac Due)
BS Quang Trí: Rối loạn thần kinh thực vật là một loại rối loạn chức năng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống, nên cũng cần được điều trị. Các biểu hiện bạn kể thường gặp trong rối loạn này. Tuy nhiên, cần đi khám tại cơ sở y tế để loại trừ những bệnh lý nguy hiểm hơn. Điều trị rối loạn thần kinh thực vật dạng nhẹ có thể được thực hiện bởi bác sĩ nội khoa tổng quát. Các dạng nặng cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần điều trị.
Theo tôi được biết, BV Chợ Rẫy là một trong những đơn vị đầu ngành về can thiệp mạch vành. Xin BS cho biết thủ tục như thế nào khi người nhà bị nhồi máu cơ tim? Thời gian vàng cho bệnh nhân khi bắt đầu cơn đau đến khi được can thiệp là bao lâu? Chi phí cho mỗi ca can thiệp mạch vành là bao nhiêu tiền? (Nguyễn Đan Phương)

Bs. Thành Nhân: Khi bạn có người nhà bị nhồi máu cơ tim thì bạn cứ đưa ngay vào khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, không cần thủ tục nào hết. “Thời gian vàng” là trong vòng 12 tiếng kể từ khi khởi phát đau ngực. Chi phí trong đa số các trường hợp cho mỗi ca can thiệp mạch vành đặt 1 stent là 33.800.000đ. Tuy nhiên, chi phí này có thể thay đổi tuỳ theo số lượng dụng cụ sử dụng (bệnh nhân phải đặt 1 hay nhiều stent) trong quá trình can thiệp. Đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì mức độ chi trả của bảo hiểm là 20.000.000đ.
Thưa bác sĩ, tôi thường thỉnh thoảng phiá bên trái ngực lâu lâu đau nhói 1 cái, như vậy có phải là đau tim không?Buổi sáng tôi thường đi bộ, nếu chạy thì cảm thấy rất mệt và thở như bị hụt hơi. (Xuan Hoang)
Bs. Thành Nhân: Triệu chứng mà bạn mô tả không đủ để chúng tôi đưa ra chẩn đoán. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau ngực, bạn nên đến khám ở 1 bác sĩ tim mạch để có chẩn đoán chính xác.

Xin chào bác sĩ, huyết áp của tôi 91/62, mạch 81. Tôi thường hay bị khó thở, có lúc hay bị ù tai bên tai trái, hai thái dương cũng bị ray rứt khó chịu. Tôi hiện giờ đang tham gia lớp thể dục dưỡng sinh thái cực quyền buổi sáng, nếu tập gắng sức một chút thì thấy hơi mệt. Bác sĩ có thể cho toi lời khuyên về giữ gìn sức khoẻ và chế độ ăn uống như thế nào và nên khám tổng quát ở đâu đạt yêu cầu ạ. (Nguyễn Thi Nhung)
Bs. Thành Nhân: Bạn nên đến khám ở 1 bác sĩ tim mạch để được tư vấn chính xác và cụ thể hơn.
Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -