Bệnh vẩy nến (Psoriasis) được biết đến từ thời thượng cổ và là một trong những bệnh da rất hay gặp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.
Theo thống kê, tỷ lệ bệnh vẩy nến khác nhau tùy từng vùng, từng châu lục, song nó dao động trong khoảng 1-3% dân số. Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, song cho đến nay nguyên nhân và sinh bệnh học của bệnh vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Ngoài ra một số yếu tố có ảnh hưởng, kích thích và làm bệnh tiến triển nặng thêm cũng được đề cập. Đó là các yếu tố: Stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường…
Một điều khẳng định chắc chắn là bệnh vẩy nến không phải là bệnh lây nhiễm như bao người nhầm tưởng.
Biểu hiện của bệnh vẩy nến là gì?- Thương tổn da: Hay gặp và điển hình nhất là các dát đỏ có vẩy trắng phủ trên bề mặt, vẩy dày, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong và giống như giọt nến (Vì vậy có tên gọi là “Vẩy nến”). Kích thước thương tổn to nhỏ khác nhau với đường kính từ 1- 20cm hoặc lớn hơn.
Vị trí điển hình nhất của các dát đỏ có vẩy là vùng tì đè, hay cọ xát như: khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Tuy nhiên sau một thời gian tiến triển các thương tổn có thể lan ra toàn thân.
- Thương tổn móng: Có khoảng 30% - 40% bệnh nhân vẩy nến bị tổn thương móng tay, móng chân. Các móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Có thể móng dày, dễ mủn hoặc mất cả móng.
- Thương tổn khớp: Tỷ lệ khớp bị thương tổn trong vẩy nến tùy từng thể. Thể nhẹ, thương tổn da khu trú, chỉ có khoảng 2% bệnh nhân có biểu hiện khớp. Trong khi đó ở thể nặng, dai dẳng có đến 20% bệnh nhân có thương tổn khớp. Biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn… Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.
Tùy theo tính chất, đặc điểm lâm sàng, người ta chia vẩy nến làm 2 thể chính: Thể thông thường và thể đặc biệt.
Trong thể thông thường, dựa vào kích thước, vị trí của thương tổn da, người ta phân làm các thể như: Thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng, vẩy nến ở đầu, vẩy nến đảo ngược, …
Thể đặc biệt ít gặp hơn nhưng nặng và khó điều trị hơn. Đó là các thể: Vẩy nến thể mủ, vẩy nến thể móng khớp, vẩy nến thể đỏ da toàn thân.
Bệnh tiến triển trong bao lâu?
Bệnh vẩy nến tiến triển lâu dài, nhiều đợt. Có khi sau một thời gian điều trị, bệnh ổn định, nhưng nếu không duy trì chế độ điều trị, sinh hoạt, làm việc hợp lý thì các thương tổn lại tái phát.
Điều trị bệnh vẩy nến như thế nào ?
Cho đến nay chưa có một phương pháp nào đặc hiệu để điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến. Tuy nhiên trong những năm gần đây nhiều thuốc mới đã được áp dụng để điều trị toàn thân và tại chỗ có tác dụng rất tốt, bệnh ổn định lâu dài.
Điều trị tại chỗ: Bôi các thuốc sau đây:
+ Mỡ Salicylé 2%, 3%, 5% có tác dụng bong vẩy, bạt sừng.
+ Mỡ Corticoid : Eumovate, Diprosalic, … có tác dụng chống viêm rất tốt, thương tổn mất rất nhanh. Tuy nhiên không nên lạm dụng bôi nhiều và dài ngày vì sẽ gây biến chứng làm bệnh nặng thêm.
+ Mỡ có Vitamin A axit như: Differin, Isotrex, Erylick...: Có tác dụng bình thường hóa quá trình sừng hóa của da.
Biều hiện ở bệnh nhân vẩy nến
|
+ Vitamin A axit: Soritane, Tigasone...
+ Methotrexate.
+ Cyclosporin...
Các thuốc này có tác dụng rất tốt, nhưng có nhiều tác dụng phụ như có thể gây quái thai, hạ bạch cầu, rối loạn chức năng gan, thận, ... Vì vậy cần được chỉ định đúng và theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị.
- Corticoid và bệnh vẩy nến: Các Corticoid dùng đường uống (Prednisolone, Medrol...) hoặc tiêm tĩnh mạch (Methylprednisolone) đều có tác dụng tốt, nhanh. Nhưng chỉ nên áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt trong một thời gian ngắn và phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu lạm dụng dùng liều cao kéo dài bệnh sẽ tái phát nặng và có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng.
Trị liệu bằng ánh sáng (Phototherapy)
Có thể phối hợp các phương pháp trên với chiếu tia cực tím có bước sóng khác nhau (UVA, UVB) cũng có kết quả rất tốt và kéo dài thời gian ổn định bệnh.
Đặc biệt hiện nay phương pháp PUVA (Psoralene Ultraviolet A) đang được áp dụng để điều trị bệnh vẩy nến các thể khác nhau và có kết quả rất khả quan.
Phương pháp sinh học (Biotherapy)
Trong những năm gần đây người ta đã tổng hợp được nhiều chất sinh học có tác dụng tốt trong điều trị bệnh vẩy nến như: Efanecept, Alefacept, Efalizumab,... Nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc... đã áp dụng phương pháp này và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên phương pháp này vừa đắt tiền vừa có một số tác dụng phụ nên chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Tư vấn:
Một điều vô cùng quan trọng là trong quá trình điều trị cần phải tư vấn cho bệnh nhân. Vì tiến triển của bệnh vẩy nến thất thường, dai dẳng nên cần khuyên bệnh nhân không được lơ là, tự động bỏ thuốc khi thấy thương tổn đã giảm. Hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ chế độ điều trị theo từng giai đoạn bệnh, đồng thời phải hạn chế bia, rượu, thuốc lá, tránh các stress và điều trị triệt để các bệnh mạn tính khác nếu có. Có như vậy mới tránh được các biến chứng và bệnh sẽ ổn định lâu dài.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét