Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh rụng tóc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bệnh rụng tóc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

(SKDS) -  “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Câu nói trên dùng để chỉ một trong mười cái dễ thương của các bà, các cô mà người xưa thường nói về cái đẹp của phụ nữ, trong đó tóc được xếp hàng đầu.  Không chỉ riêng đối với phụ nữ, tóc có vai trò rất quan trọng trong vẻ đẹp của con người. Người khỏe mạnh sở hữu một mái tóc mềm mại, óng ả, mượt mà, ngược lại khi có vấn đề sức khỏe thì tóc trở nên khô, xơ xác, thậm chí gãy rụng.




Những hiểu biết về tóc
Bình thường, mỗi người có từ 100.000 đến 200.000 sợi tóc, trong đó khoảng 90% tóc luôn luôn ở giai đoạn “mọc” (anagen-giai đoạn phát triển), kéo dài từ 2-6 năm; khoảng 10% ở giai đoạn không mọc hay còn gọi là nghỉ ngơi (catagen-giai đoạn thoái triển), kéo dài từ 2-3 tháng. Ở cuối giai đoạn này (telogen-giai đoạn ngừng triển) là tóc sẽ rụng. Khi 1 sợi tóc rụng thì ngay dưới chân sợi tóc vừa rụng sẽ có một mầm tóc mới mọc lên thay thế sợi tóc cũ và chu kỳ mọc mới lại bắt đầu. Tóc mọc khoảng 1,2cm/tháng, theo tuổi tác tóc mọc chậm dần.
Cùng với thời gian tóc cũng có thể bị bệnh hoặc già đi và quá trình này sẽ tăng tốc với sự góp mặt của nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài như hóa chất, ánh nắng, chế độ dinh dưỡng... Thông thường, mỗi ngày có khoảng 30-60 sợi tóc rụng và cũng có ngần ấy sợi tóc mới mọc. Khi số lượng tóc rụng mỗi ngày vượt quá 100 sợi thì có thể mắc bệnh rụng tóc.
Rụng tóc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là một số bệnh lí rụng tóc thường gặp nhất và cách điều trị.

Rụng tóc từng vùng
Còn gọi là rụng tóc Pelade, thường gặp ở người lớn, trẻ tuổi (60% trước 20 tuổi), nam nhiều gấp đôi nữ, tỉ lệ 2/1.
Căn nguyêncủa bệnh còn chưa rõ. Hiện nay nhiều tác giả cho rằng rụng tóc Pelade là bệnh di truyền liên quan đến tế bào lympho T (khoảng 10-25%). Cũng có giả thuyết cho rằng nguyên nhân là rối loạn miễn dịch tại vùng rụng tóc do phát hiện được các bán kháng nguyên HLA DR4, DR5, DR11 DQ7. Ngoài ra, bệnh có liên quan đến thay đổi nội tiết, nhiễm khuẩn, đặc biệt các sang chấn tinh thần (stress). Bệnh có thể kết hợp với một số rối loạn khác như bạch biến, suy cận giáp, addison, viêm tuyến giáp hashimoto, nhược cơ nặng, hội chứng Down, thiếu máu ác tính.
Biểu hiện của bệnh: trên da đầu có một hay nhiều đám rụng tóc hình tròn, đường kính vài cm, da nhẵn trắng trông giống như sẹo, có khi các đám liên kết với nhau thành dải, vằn vèo “thể rắn bò”. Rìa đám rụng tóc có những sợi tóc gẫy ngắn, mập gọi là tóc “dấu chấm than”. Một số trường hợp có thể rụng nhẵn toàn bộ da đầu), thậm chí rụng cả lông mày, lông nách, lông mi.
Triệu chứng cơ năng thường không có gì đặc biệt. Có thể thấy các biểu hiện khác như loạn dưỡng móng, “rỗ móng”- phiến móng có hàng chục, hàng trăm lỗ nhỏ như “đê khâu” .
Bệnh có thể kéo dài hoặc tóc mọc lại một cách ngẫu nhiên sau vài tháng. Bệnh cũng thường tái phát. Nếu có các thay đổi ở móng và rụng tóc toàn phần thì tiên lượng thường không tốt.
Về điều trị: không có thuốc đặc trị, khó đánh giá tiên lượng vì nhiều khi ngẫu nhiên tóc mọc lại (≈ 60% trường hợp khỏi tự nhiên sau 6 tháng).
Có thể bôi bằng mỡ có cortioid hoặc tiêm nội tổn thương bằng kenacort hay triamcinolon acetonic, bôi anthraline cream 0,5%-3%, hoặc minoxidil 5%.
PUVA toàn thân có kết quả > 30 buổi chiếu PUVA tại chỗ. Corticoide liều cao từng đợt trong trường hợp rụng nhiều và đột ngột.  Methotrexate thường được chỉ định trong rụng tóc toàn bộ phối hợp với corticoide.
Ngoài ra có thể uống bepanthen, biotin, vitamin C, 3B, an thần, chiếu tia cực tím.
Rụng tóc androgen
Còn gọi là rụng tóc liên quan androgen hay chứng hói tiến triển. Từ đồng nghĩa: hói kiểu đàn ông, hói thông thường, rụng tóc có tính di truyền ở đàn bà. Loại này gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tuổi ở nam thường ≥ 30-40, trong khi nữ xuất hiện muộn hơn.
Bệnh do bẩm sinh di truyền đa gen (di truyền trội ở nam, di truyền lặn ở nữ) và tác động của androgen lên nang tóc ở đầu làm nang tóc giảm kích thước, dần dần teo và rụng.
Phần lớn bệnh nhân (cả nam và nữ) có nội tiết bình thường nhưng do nang tóc có thụ cảm đặc biệt với testosteron làm chu kỳ “rụng - mọc” của tóc giảm xuống, tóc rụng nhiều hơn mọc đưa đến “hói”. Cơ chế tác động của androgen lên tế bào nang tóc dẫn đến AGA thì chưa rõ. Một số bệnh nhân có tăng androgen.
Ở nam giới, đầu tiên tóc rụng thưa dần ở phía trước trán, tạo thành hình lượn sóng chữ M, sau rụng đến vùng giữa đỉnh đầu và dần dần hói hoàn toàn phía trên (trán và đỉnh chẩm), riêng vùng thái dương hai bên và gáy vẫn còn tóc.
Ở đàn bà tóc rụng lan toả, tóc mỏng thưa đi. Ở nữ trẻ bị AGA có thể thấy các dấu hiệu nam tính hoá như có trứng cá, lông ở quá nhiều thân mình và vùng mặt, kinh nguyệt không đều. Bệnh tiến triển từ nhiều năm đến hàng chục năm.
Điều trị: không có phương pháp điều trị có hiệu lực cao để ngăn sự tiến triển của AGA. Dung dịch minoxidil 2% bôi tại chỗ làm giảm rụng tóc và mọc lại tóc, sau 4-12 tháng 40% mọc tóc lại.  Kháng androgen: spironolactone, cyproteron acetate, flutamid và cimetidine. Thuốc có tác dụng ở phụ nữ bị AGA, không dùng cho nam giới.
Tóc giả (Wig).  Phương pháp được coi là khả quan nhất hiện nay là cấy tóc. Chuyển các miếng ghép mô nang lông từ vùng gờ viền xung quanh (vùng tóc không mẫn cảm androgen) tới vùng hói ở đầu mẫn cảm androgen.

Rụng tóc telogen
Là loại rụng tóc xuất hiện sau khi bị ốm nặng (sốt rét, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết,...), sau sẩy thai, sinh đẻ, sau chấn thương lớn, sau mổ, mất máu...
Các nguyên nhân chính thường đi trước rụng tóc từ 6-16 tuần. Biểu hiện là tóc rụng nhiều trong thời gian ngắn, tóc mỏng thưa đi, lan toả trên da đầu. Bệnh nhân thường vuốt tóc thấy vài sợi hay nhiều sợi bị rụng (tóc giai đoạn telogen hoặc tóc đầu tày, hình dùi cui và rất lo lắng, sợ hãi sẽ bị hói. Các sợi tóc mới mọc lại ngắn, mảnh hơn tóc cũ và đuôi thon nhọn hơn.
Có thể thấy móng các ngón tay/chân có những đường hằn ngang (đường Beau) hoặc rãnh, khía ở bản móng.
Sau một thời gian tóc mọc lại, tuy nhiên nếu rụng nghiêm trọng và tái phát sau nhiều lần có thai kế tiếp nhau (chửa đẻ nhiều lần) có thể tóc mọc lại không hoàn toàn. Sau nguyên nhân tác động tóc có thể rụng kéo dài trong vòng 1 năm. Loại này không cần điều trị gì đặc biệt, vitamin B liều cao, calcium, về sau tóc sẽ mọc lại, giải thích cho bệnh nhân là cần chờ đợi.
 Chứng rụng tóc do nhiều nguyên nhân
Rụng tóc do nấm
Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là tuổi tiền học đường hoặc học đường.
Nguồn lây chủ yếu từ vật nuôi như chó, mèo hay lây từ trẻ này sang trẻ khác, có khi thành dịch nhỏ tại vườn trẻ hoặc trường học.
Bệnh thường do hai loại nấm gây nên là Trichophytie gây tổn thương trên da đầu thành từng đám nhỏ và Microsporie gây tổn thương thành đám lớn.
Các chủng nấm Trichophyton thường gây bệnh là T.tonsuran, T. violaceum,  trong khi chủng nấm Microsporie thường gây bệnh là M.canis, M.gypseum và M.cookei.
Nhìn chung 2 loại nấm da đầu này đều gây gãy tóc.
 Rụng tóc do Trichophyton: trên da đầu có đám tròn to nhỏ không đều, ranh giới không rõ phủ vẩy da màu trắng đục, xen kẽ giữa các tóc lành có những sợi tóc bị xén ngắn chỉ còn 1-2 mm, hay bị xén cụt sát chân chỉ còn lại điểm đen như 1 hạt than “khảm” vào da đầu (trichophytie nông). Nguồn lây thường từ các chủng nấm lây từ người nên bệnh có thể lây trong gia đình hoặc vườn trẻ, trường học.
Loại nấm tóc Trichophyton thâm nhiễm và mưng mủ thường có nguồn lây từ súc vật sang người. Biểu hiện trên đầu là 1-2 đám tổn thương ranh giới rõ, viêm mạch, nhiễm cộm, trên bề mặt đầy vẩy mủ. Đó là một cụm áp xe nhỏ khu trú xung quanh chân lông còn gọi là “áp xe nang lông” mủ nặn ra từ các nang lông giống như mật trong các lỗ tầng ong còn có tên gọi “ kerion de celse”.
Rụng tóc do Microsporum: từng đám róc vẩy nhỏ ở da đầu, giới hạn không rõ rệt, có xu hướng liên kết với nhau có khi thành đám lớn hình nhiều vòng cung (microsporum có nguồn gốc từ người).
 Nếu là chủng microsporum có nguồn gốc lây từ súc vật sang thì ở da đầu thường có 1-2 đám vẩy da trắng mốc như rắc tro, lớn, hình tròn hay bầu dục, ranh giới rõ. Đôi khi bên cạnh đám lớn có 1-2 đám nhỏ hơn, toàn bộ tóc trong đám bị xén cụt chỉ còn cách da đầu 3-4 mm. Đặc biệt là chân tóc có chất bột trắng bám chặt như đi “bít tất” hay sợi tóc bị “nhúng chân vào bột”. Chất bột trắng đó thực chất là các bào tử nấm bám quanh chân tóc.
Điều trị:Dùng dầu gội có chứa kháng sinh chống nấm ketoconazole 2% mỗi tuần 2-3 lần.
Tại chỗ: Bôi cồn BSI 1%, dung dịch castellani hoặc mỡ clotrimazol 1%, kem nizoral, kem lamisil. Trường hợp Trichophyton thâm nhiễm và mưng mủ, ổ ápxe bùng nhùng mủ thì phải trích rạch làm sạch tổn thương, sau đó chấm các dung dịch sát khuẩn.
Toàn thân: dùng kháng sinh chống nấm nhóm griseofulvine hoặc itraconazol, trong đó griseofulvine thích hợp cho trẻ em hơn do ít độc.
Phòng bệnh: chủ yếu là vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc vật nuôi, nhất là vật nuôi bị nhiễm nấm hoặc phải điều trị cho vật nuôi ngay khi phát hiện thấy nhiễm nấm.
Rụng tóc do các bệnh có tổn thương trên da đầu
Rụng tóc còn là hậu quả của các bệnh da hoặc toàn thân khác có đám tổn thương ở da đầu. Các tổn thương này có quá trình viêm, tạo mủ, tạo sẹo, teo da... gây teo hay hư tổn nang tóc làm tóc trong vùng đó bị rụng.
Các bệnh thường gặp là lupút ban đỏ mạn dạng đĩa, luput ban đỏ hệ thống, viêm nang lông trụi tóc, nấm tóc loại kerion, xơ cứng bì khu trú, bệnh muxin nang lông, nevi biểu bì, ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai, u phần phụ (adnexal tumors), liken phẳng, chấn thương cơ học (tật nhổ tóc trichotillomania), tác nhân lý hóa học (bỏng, chiếu xạ, chất ăn mòn da)...

Trên đây là một số hình thái rụng tóc thường gặp nhất. Như vậy, rụng tóc do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi bị rụng tóc, người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định thể bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp.
Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -