Một chàng trai trẻ tận mắt chứng kiến cái chết vì nhồi máu cơ tim của ông bạn đồng nghiệp già ngay tại phòng làm việc. Sau đó, chàng trai bắt đầu lo sợ, “có thể một lúc nào đó, mình cũng sẽ bị nhồi máu cơ tim và chết”. Vì vậy, anh ta luôn mang theo bên mình các thứ thuốc dự phòng.
Chỉ cần cảm thấy ở vùng ngực có một chút biểu hiện hơi khác thường là anh vội tới ngay bệnh viện, làm đủ các thứ xét nghiệm. Ban đầu các thầy thuốc không phát hiện thấy gì khác thường nhưng anh ta vẫn quả quyết tính mạng mình đang bị đe dọa. Và thế là những triệu chứng “tưởng tượng” dần dần đã hiện diện thực sự. Đến lần khám thứ 9 thì anh được bác sĩ chẩn đoán là “có dấu hiệu rối loạn thần kinh chức năng tim” và cảnh báo có thể xuất hiện những cơn đau thắt ngực. Nhưng một chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm lại quả quyết rằng, anh cần phải đến chuyên khoa tâm thần. Thật lạ, chỉ sau vài lần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, các triệu chứng về bệnh tim mạch của anh ta đã “không cánh mà bay”.
Bệnh hen thường xuất hiện ở người không biết cách sống tự lập. Ảnh: Healthnews.
Câu chuyện trên được ghi vào y văn thế giới từ những năm 1960, khi thuật ngữ “Nocebo” ra đời, để mô tả tác hại đối với sức khỏe và bệnh tật của những ý nghĩ bi quan, tiêu cực – trái ngược với thuật ngữ “Placebo” – mô tả hiệu quả tích cực của những suy nghĩ lạc quan và sự tin tưởng vào một điều gì đó cho dù điều đó không có tác dụng đặc hiệu.
Rất nhiều nghiên cứu, thử nghiệm đã được tiến hành sau đó để chứng thực rằng những suy nghĩ tiêu cực có thể gây những phản ứng bệnh tật cho cơ thể. Một thử nghiệm kinh điển là: cho một nhóm người dùng nước đường và bảo đây là chất gây nôn. Kết quả 80% số người tham gia đã bị nôn mửa. Không phải nước đường mà chính sự lo sợ, cho rằng mình thể nào cũng nôn, đã dẫn đến tình trạng này.
Cho đến nay, giới khoa học đã kết luận rằng: trên 50% tổng số bệnh tật tâm thể (tinh thần và thể xác), đều phát sinh dưới tác động của các loại tình cảm tiêu cực, đặc biệt là sự sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi bị mắc bệnh tật, một khi đã chiếm giữ vai trò chủ đạo, trở thành nỗi ám ảnh bao trùm lên toàn bộ tâm lý con người và tạo ra trạng thái “ám thị bệnh tật” khiến cho con người ta mắc bệnh thật.
Ngay từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, bác sĩ người Đức Gufeland đã cho rằng mỗi bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ, xúc cảm từ chính bản thân mỗi người. Tuy chưa xác định được cụ thể cơ chế gây bệnh của những ý nghĩ tiêu cực nhưng ở thời điểm đó ông đã nhận ra trong số những tác nhân gây nên lão suy và làm giảm tuổi thọ, thì trạng thái chán nản, u buồn, sợ hãi, đố kỵ có tác động cực mạnh và nguy hại nhất.
Giờ đây, sau nhiều quan sát thử nghiệm, các nhà khoa học đã có thể rút ra sự tương quan giữa các loại bệnh tật và trạng thái tâm lý, chẳng hạn:
- Những người hay có ý nghĩ “sống độc thân thích hơn”, không tin vào tình yêu, hoặc không cho phép mình yêu người khác thì có khả năng mắc các bệnh về tim mạch rất cao;
- Bệnh viêm khớp thường tấn công những người luôn có quan điểm phủ nhận: “không thể như vậy được” và hay kết tội người khác rằng họ đang bóc lột mình;
- Bệnh huyết áp cao thường xuất hiện ở những người quá tự tin vào khả năng của mình và luôn cho rằng “Việc này ta làm ngon!”;
- Người hay có ý nghĩ chán nản, thất vọng về những thất bại trong cuộc sống và theo chủ nghĩa phê phán thường hay mắc các bệnh về thận;
- Bệnh hen suyễn và các vấn đề về phổi thường xuất hiện ở những người không biết cách sống tự lập;
- Các bệnh về dạ dày xuất hiện do hậu quả của những xúc động mạnh trong quá khứ. Dạ dày cũng rất nhạy cảm với sự sợ hãi, ghen tị, đấu tranh và căm ghét. Việc kìm nén tình cảm, cố gắng quên chúng là nguyên nhân của chứng rối loạn dạ dày;
- Sự thù địch là nguyên nhân của chứng đau rát thực quản;
- Sự giận dữ, bực tức, hằn học là nguyên nhân của các bệnh truyền nhiễm (nhiễm trùng);
- Không thể tự quyết định, sợ phải đưa ra quyết định cuối cùng, sợ đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống là nguyên nhân của những bệnh về răng miệng;
- Mất ngủ là do những ý nghĩ muốn trốn chạy khỏi cuộc sống, không muốn nhìn thấy những mặt tiêu cực của cuộc sống.
- Chứng táo bón thường xuất hiện ở những người có tình cảm quá lớn và những xúc động mạnh…
Không những có thể gây nên bệnh tật, những ý nghĩ tiêu cực còn có đủ sức giết chết cả một người hoàn toàn khỏe mạnh. Y văn thế giới đã ghi lại câu chuyện tại một nhà tù ở Mỹ, người ta chuẩn bị đưa một phạm nhân ra hành hình trên ghế điện. Phạm nhân này hiểu rằng trong khoảnh khắc bật công tắc cho dòng điện cao thế nối vào ghế, chiếc bóng điện trên trần nhà sẽ bị tắt đi giây lát. Khi phạm nhân này vừa ngồi vào ghế và dòng điện vẫn chưa được nối thì bóng đèn trong phòng bỗng phụt tắt do trục trặc kỹ thuật. Thế là phạm nhân đã chết ngay trên chiếc ghế chưa có điện. Anh ta đã không bị chết do dòng điện cao thế mà chính nỗi sợ hãi về một cái chết không sao tránh khỏi đã giết chết anh ta!
Lạc quan sẽ giúp bạn chiến thắng nhiều bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Healthnews.
Theo giả thuyết của các nhà khoa học thì trong cơ thể sống, ngoài các gene vật chất bình thường mang những thông tin di truyền mà chúng ta nhìn thấy được trong kính hiển vi, còn có một loại “siêu gene toàn ảnh” (Hologram-Supergen) trong đó không những chứa đựng các vật chất di truyền mà còn “ghi nhớ” cả cấu trúc không gian và thời gian của toàn bộ cơ thể sống. Chính những siêu gene đó kiến tạo nên các cấu trúc năng lượng của tế bào, các mô, các tổ chức và toàn bộ cơ thể. Nó cũng “cài đặt sẵn” cả chương trình nhằm đảm nhiệm việc khôi phục sức khỏe và chương trình rút ngắn sự sống khi cần thiết.
Một khi cơ thể đứng trước các nguy cơ gây bệnh hoặc mắc bệnh, vỏ não sẽ nhận được những tín hiệu báo động và toàn bộ các vùng trong cơ thể sẽ được khởi động: chương trình “khôi phục sức khỏe” bắt đầu hoạt động và cơ thể sẽ được đưa trở lại trạng thái bình thường. Nhưng những ý nghĩ bi quan, sự sợ hãi bệnh tật, chết chóc lại đưa vào vỏ não những thông tin giả tạo, gây nên những sai lệch trong cấu trúc không gian – thời gian của siêu gene, khiến cho khả năng tự khôi phục sức khỏe bị triệu tiêu, từ đó khiến cho bệnh tật nảy sinh.
Chẳng những thế, nỗi khiếp sợ trước cái chết không thể tránh khỏi còn có thể “bật công tắc” khiến chương trình “rút ngắn sự sống” đi vào hoạt động. Và cái chết sẽ đến rất sớm với những người luôn luôn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ tiêu cực, sợ hãi, chán nản, tuyệt vọng…
Chính bởi vậy mà các bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân phải có lòng tin là bệnh sẽ khỏi.