Thay vì ghép van tim nhân tạo, các bác sĩ Viện Tim mạch Bạch Mai đã lấy van động mạch phổi của chính bệnh nhân ghép vào đường ra tâm thất trái. Người bệnh không phải dùng thuốc chống đào thải suốt đời, đặc biệt van này sẽ lớn lên cùng cơ thể.
Đây được gọi là kỹ thuật ghép van tim tự thân để chữa dị tật tim bẩm sinh, một kỹ thuật khó không chỉ đối với bác sĩ Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới.
Bệnh nhân mới đây được ghép van tim bằng phương pháp này là anh Thục, sinh viên, 22 tuổi, ở Nghệ An. Dị tật hẹp đường ra của tim thất trái khiến anh thường xuyên bị những cơn đau thắt ngực hành hạ, nhiều việc không thể tự làm được mà phải phụ thuộc vào những người trong gia đình.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Bạch Mai, Trưởng kíp mổ cho anh Thục cho biết, van động mạch phổi hở một chút cũng được, nhưng van động mạch chủ thì phải kín vì chịu áp lực lớn hơn rất nhiều. Chính vì thế, các bác sĩ đã lấy van động mạch phổi để ghép vào vị trí của van động mạch chủ, đồng thời lấy màng tim để tạo một van động mạch phổi khác cho người bệnh.
Ca phẫu thuật cuối tháng 10 vừa qua kéo dài 3 giờ và đã thành công tốt đẹp. Sau 7 ngày, anh Thục đã được xuất viện.
Theo tiến sĩ Hùng, kỹ thuật ghép van tự thân để chữa dị tật tim có rất nhiều ưu điểm. Nếu ghép bằng van tim nhân tạo, người bệnh phải mất ít nhất 30 triệu đồng cho một chiếc van, chưa kể chi phí thuốc chống thải ghép, chống đông máu và các loại thuốc khác để duy trì, nuôi dưỡng van nhân tạo hoạt động. Vì thế, nếu ghép van tự thân, bệnh nhân đã tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.
Ngoài ra, thời hạn sử dụng của van nhân tạo, loại tốt tối đa cũng chỉ khoảng 15-17 năm (loại van sinh học thời hạn chỉ có 7-8 năm). Sau đó bệnh nhân sẽ phải mổ lại để thay van nhân tạo mới. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc chống đông suốt đời cũng có nhiều nguy cơ, thiếu hoặc thừa đều có thể khiến người bệnh dễ dàng tử vong. Bệnh nhân cũng phải thường xuyên đến bệnh viện để kiểm tra và tiêm thuốc.
“Phương pháp ghép van tim tự thân sẽ khắc phục được những nhược điểm trên. Van được ghép sẽ lớn lên cùng cơ thể người bệnh. Người bệnh không phải sử dụng thuốc chống đông…, cũng không cần phải mổ lại, mà định kỳ 6 tháng đến kiểm tra một lần, 3 tháng đầu thì tháng một lần đến viện”, tiến sĩ Hùng nói.
Cho đến nay Việt Nam mới có 5 bệnh nhân được mổ ghép van tim bằng cách này. Trường hợp lâu nhất đã được 8 năm (hiện cháu 15 tuổi). Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các chuyên gia chia sẻ về kỹ thuật mới này.
Tiến sĩ Hùng cũng cho biết, đây là kỹ thuật cực kỳ khó, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh nhưng không làm đại trà được và chỉ làm ở những bệnh nhân trẻ.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét