Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

TP - Tôi bị suy thận độ 1. Gần đây tôi nghe nói, trong giai đoạn này có thể điều trị bằng thức ăn và thuốc Nam. Nếu đúng, đề nghị hướng dẫn giúp cách dùng cụ thể. Thành thật cảm ơn.

Chức năng sinh lý cơ bản của thận là lọc máu, tạo ra nước tiểu và bài tiết các chất cặn bã, để duy trì sự cân bằng của môi trường bên trong cơ thể. Thông qua chức năng tạo nước tiểu, thận giúp cơ thể giữ lại nước, các chất điện giải và các chất chuyển hóa quan trọng. Đồng thời đào thải những sản phẩm có hại, như urê, creatinin, acid uric, ...
Thuốc chữa suy thận



Trong cơ thể mỗi người có 2 quả thận. Mỗi quả thận có từ 1 triệu đến 1,5 triệu phần tử cơ bản, gọi là "đơn vị thận" (renal unit) hoặc là "nephron". "Đơn vị thận" bao gồm 2 bộ phận chính: "cầu thận" và "ống thận". Mỗi "đơn vị thận" - "nephron" cũng có thể xem như là một quả thận nhỏ, vì cũng khả năng sản sinh, bài tiết nước tiểu. Khi máu chảy vào thận, một phần huyết tương được lọc qua mao mạch của "cầu thận" và trở thành "dịch lọc cầu thận". Mỗi ngày, thận có thể tạo ra khoảng 170 lít dịch lọc cầu thận, nhưng lượng nước tiểu sinh ra trong một ngày chỉ từ 1 đến 2 lít. Vì sau khi đi qua "ống thận", phần lớn lượng dịch lọc cầu thận đã được hấp thu trở lại vào máu và chỉ có một phần dịch lọc trở thành "nước tiểu thực thụ", bài tiết ra ngoài.
Khi các "đơn vị thận" (nephron) bị tổn thương quá nặng, trên 3/4 số đơn vị thận bị hủy hoại, thận không còn khả năng thực hiện đầy đủ chức năng lọc máu – tạo nước tiểu - đào thải chất độc, cơ thể sẽ bị lâm vào tình trạng bệnh lý, gọi là “Suy thận” (renal failure). Trong Y học hiện đại, bệnh suy thận chia thành loại: Suy thận cấp (acute renal failure) và suy thận mạn tính (chlonic renal failure). Trong suy thận cấp, chức năng bài tiết của thận suy giảm nhanh trong một thời gian ngắn (vài giờ đến vài tuần), khả năng lọc máu của cầu thận giảm thấp hơn 50% của mức bình thường, khiến hàm lượng các hợp chất ni-tơ, creatinine trong máu tăng cao, gây rối loạn nước và điện giải, mất cân bằng toan - kiềm, cùng những chứng trạng của bệnh u-rê huyết cấp tính. Hội chứng suy thận cấp có thể xuất hiện trong nhiều bệnh. Nếu được chẩn đoán sớm, cấp cứu và điều trị thích đáng, thì chức năng của thận có thể khôi phục hoàn toàn.
Còn trong suy thận mạn, các cấu trúc thận bị tổn thương mỗi ngày một nặng, khiến thận khó duy trì được những chức năng cơ bản một cách bình thường, gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất và hàng loạt chức năng sinh lý khác của cơ thể; cuối cùng dẫn tới tăng u-rê huyết, rối loạn trao đổi chất, cùng những bệnh lý toàn thân nghiêm trọng khác.
Tùy theo độ nặng, suy thận thường được chia thành 4 cấp: Suy thận nhẹ (giai đoạn 1); Suy thận vừa (giai đoạn 2); Suy thận nặng (giai đoạn 3) và Suy thận giai đoạn cuối (giai đoạn 4). Trong hai giai đoạn đầu, có thể sử dụng Thức ăn – Thuốc Nam để chữa trị.
Muốn sử dụng Thức ăn – Thuốc có hiệu quả tốt, cần căn cứ vào những chứng trạng biểu hiện cụ thể, cũng như đặc điểm về thể chất (cơ địa) của từng người, mà chọn dùng phép chữa, thức ăn – thuốc thích hợp. Do đó tốt nhất nên tiến hành dưới sự tư vấn và gián sát của thầy thuốc Đông y chuyên nghiệp. Trong điều kiện gia đình, có thể áp dụng thử theo một số phương án như sau:
1. Thấp trọc ứ trệ
Biểu hiện: Bụng đầy tức, miệng khô, lợm giọng, nôn, đại tiện bí, miệng hôi và có mùi a-mô-ni-ắc, nước tiểu trắng trong; Lưỡi to, sắc lưỡi nhợt, chất lưỡi khô xám; rêu dầy nhớt; mạch hư huyền. Khám Tây y phát hiện các triệu chứng: Tăng huyết áp, thiếu máu, u-rê niệu cao.
Để chữa trị, có thể sử dụng món “Cháo hạt cau”, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp và giải độc, như sau:
Thành phần: Tân lang (hạt cau) 10g, gạo tẻ 50g. Cách chế: Tân lang sắc lấy nước, nấu sôi trong 10 phút rồi lọc bỏ bã, cho gạo vào nấu thành cháo ăn.
2. Khí huyết ứ trệ
Biểu hiện: Buồn nôn, nôn, bồn chồn, người nóng, đầu đau, choáng váng, mệt mỏi, da ngứa, miệng khô, lưỡi tím tái có điểm ứ huyết; Mạch huyền hoạt.
Để chữa trị, có thể sử dụng món “Canh cá mực đào nhân”, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, hoạt huyết thông lạc như sau
Nguyên liệu: Cá mực 50g, đào nhân (nhân hạt đào) 15g; hành, gừng, muối lượng thích hợp. Cách chế: Cá mực ngâm nước, bỏ xương, làm sạch; Cho cá mực và đào nhân vào nồi đất, thêm nước lượng thích hợp, cùng hành, gừng, muối ... Nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa cho đến khi cá mực chín nhừ là được.
3. Tỳ thận lưỡng hư
Biểu hiện: Sắc diện trắng nhợt, chân tay vô lực, ăn kém ngon miệng, ăn ít, da khô háo, đại tiện lỏng, nước tiểu trong, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi ít, mạch nhược
Để chữa trị, có thể sử dụng món cháo có tác dụng ôn thận bổ tỳ, ích khí dưỡng huyết như sau:
Nguyên liệu: Bạch truật 10g, tân lang 10g, dạ dày lợn 1 cái, gạo tẻ 50-100g, gừng tươi lượng thích hợp. Cách chế: Dạ dày làm sạch, cắt thành miếng nhỏ, cùng bạch truật, tân lang, gừng sắc lấy nước, sau cho gạo vào nấu cháo.
4 Tinh khí hư nhược
Biểu hiện: Sắc diện kém tươi, mệt mỏi, bồn chồn, thở ngắn, móng tay nhợt, tức ngực, nôn mửa, kém ăn, đại tiện lỏng, da dẻ tiều tụy, da khô bong vẩy, mi mắt phù, miệng khô họng háo, lưng mỏi; lưỡi nhợt khô, mạch nhược. Khám Tây y phát hiện thấy u-rê niệu và creatinin tăng cao.
Để chữa trị, có thể sử dụng món cháo có tác dụng ích tinh, bổ thận dưỡng huyết như sau:
Nguyên liệu: Kỷ tử 15g, gạo nếp 50g, đường trắng lượng thích hợp. Chế biến: Cả 3 thứ cho vào nồi đất, thêm 500ml nước, nấu nhỏ lửa đến khi gạo nếp chín nhừ quánh lại; tắt bếp, ủ thêm 5 phút nữa là được.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -