Hiển thị các bài đăng có nhãn cách chữa bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cách chữa bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

(SKDS) -  Nếu chế độ ăn của bạn bị mất cân đối hoặc thiếu chất, da sẽ bị tổn thương. Tùy theo chất bị thiếu mà có triệu chứng bệnh trên da hoặc kèm theo triệu chứng bệnh ở các cơ quan khác. Nhưng vấn đề khiến bạn phải băn khoăn muốn tìm câu trả lời, đó là: Tại sao chế độ ăn đầy đủ nhưng cơ thể vẫn bị thiếu chất?

Thiếu chất do ăn uống kém và do cơ thể hấp thu kém
Nhiều nghiên cứu cho biết: bình thường, đối với người khỏe mạnh, thiếu chất chủ yếu do chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Chẳng hạn bữa ăn thiếu thịt, cá, trứng, sữa... bạn sẽ bị thiếu chất đạm. Bữa ăn ít hay không có dầu mỡ, bạn sẽ bị thiếu chất béo. Đi nắng nhiều, làm việc lâu ngoài nắng mà không hoặc ít uống nước, bạn sẽ bị thiếu nước và một số muối khoáng. Bữa ăn thiếu rau và trái cây bạn dễ bị thiếu các loại vitamin...

Ở một khía cạnh khác, khi bữa ăn hằng ngày vẫn đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng bạn vẫn bị thiếu chất, đó là do cơ thể của bạn không hấp thu được các chất dinh dưỡng nói chung hoặc một vài chất nói riêng. Những chất dễ bị thiếu và khi thiếu gây tổn thương trên da gồm: nước và muối khoáng, vitamin, đạm, béo.
Thiếu vitamin C  gây xuất huyết trên da
Tình trạng thiếu vitamin C là rất phổ biến, trong đó hay gặp ở những đối tượng: người già trên 55 tuổi, người hút thuốc lá, nghiện rượu, người lao động nặng, ăn uống thiếu rau xanh và trái cây. Thiếu vitamin C dễ bị xuất huyết do tính kém bền vững của thành mạch máu, hay gặp xuất huyết ở dưới da và ở niêm mạc lợi răng. Vitamin C có vai trò ngăn ngừa vết nhăn trên da, nó tham gia tổng hợp chất collagen đệm cho da không bị xệ và nhăn, tránh cho da khỏi khô, tóc và móng bớt gãy, giòn.
Vitamin C cũng tham gia điều hòa sự tiết chất nhờn của tuyến nhờn trên da. Vitamin C còn giúp ngăn chặn sự tạo các vết đồi mồi trên da ở  người lớn tuổi. Muốn tránh việc thiếu vitamin C, bạn cần ăn các thức ăn chứa nhiều chất này là rau xanh, trái cây như: rau ngót, rau đay, rau dền, súp lơ, rau cải, cà chua, chanh, cam, bưởi, dâu...

 Thiếu vitamin B3 gây viêm da tróc vảy.
Thiếu vitamin và chất béo da khô tróc vảy Vitamin A có vai trò quan trọng đối với mắt, đồng thời kích thích khả năng tái sinh tế bào da, chống lại sự lão hóa và sự teo đi của da khô; điều hòa sự bài tiết chất nhờn và ngăn chặn quá trình khô da, chống lại sự hình thành lớp sừng trên da, bảo vệ nhiễm sắc tố da chống lại hiệu ứng có hại của các tia tử ngoại... Thiếu vitamin A sẽ làm cho da bị ngứa, khô, tróc vảy, xù xì, các tuyến nhờn kém hoạt động, làm cứng da. Chống thiếu vitamin A bằng cách ăn các thức ăn có nhiều vitamin A như: gan cá, gan động vật, bơ, lòng đỏ trứng, cà chua, cà rốt, rau có màu xanh thẫm, khoai lang, bí đỏ, đu đủ, gấc... 
Thiếu vitamin B2 miệng lở, môi sưng đỏ và nứt, da trên mũi nứt, lưỡi viêm sưng, đau và nứt rãnh, rối loạn ở các tuyến nhờn trên da, làm cho da khô, tróc vảy mỏng, đặc biệt là ở những chỗ da có nếp gấp, các chất nhờn vón lại trên lỗ chân lông, khiến da bị gồ ghề xấu xí.
Thiếu vitamin B3 có thể đưa tới chứng viêm da, bị sưng, tróc vảy, nhất là ở phần da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc chấn thương, viêm miệng và lưỡi sưng đỏ.
Chữa bệnh bằng các loại thuốc có chứa acid nicotinic, ăn thực phẩm có nhiều vitamin B3 như: gan, thận, thịt bò, thịt gà vịt, thịt lợn, sữa, cơm gạo...
Trong thực tế, hầu hết mọi người không thiếu chất béo. Duy chỉ có một số trường hợp bị thiếu chất béo do ăn uống theo chế độ có rất ít chất béo, hoặc ở người phải nuôi dưỡng qua truyền mạch máu lâu ngày. Nếu thiếu chất béo thì da sẽ bị khô và lớp biểu bì sẽ tróc ra những vảy mỏng nhỏ. Cải thiện bằng cách ăn nhiều chất béo có trong thịt, cá, lạc, vừng...

 Thiếu vitamin C bị bệnh scorbut xuất huyết dưới da.
Thiếu chất đạm  da khô, tóc thưa
Chất đạm là thành phần chính của các tế bào cũng như các cấu trúc khác của cơ thể, nên khi thiếu chất đạm sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu thiếu đạm trầm trọng sẽ mắc bệnh Kwashiorkor là suy dinh dưỡng thể phù và có rối loạn sắc tố da. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Chế độ ăn có thể đầy đủ nhưng do cơ thể trẻ chưa đủ các loại men tiêu hóa nên không hấp thu được chất đạm mà bị suy dinh dưỡng do thiếu chất đạm.
Trẻ bị phù nề, kém ăn, tiêu chảy, mất cảm xúc, không tăng trưởng được. Đặc biệt da của bệnh nhi thay đổi màu, da rất khô, biểu bì tróc vảy mỏng với nhiều vết nhăn, kèm theo tóc rất thưa, mất màu sắc. Bệnh được cải thiện rất nhanh nếu trẻ được ăn uống đầy đủ chất nhất là chất đạm và điều trị suy dinh dưỡng tích cực. 

(SKDS) - Ung thư da là một dạng ung thư phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục nghìn người trên thế giới mỗi năm. Hiện nay số người bị ung thư da ngày một tăng lên, đặc biệt những người sống tại các vùng nhiều ánh nắng mặt trời, thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím (UV) có nguy cơ cao nhất.

Nguyên nhân chính gây ung thư da
Bình thường các tế bào da phát triển theo một trình tự tổ chức rất chặt chẽ trong biểu bì. Những tế bào mới còn non đẩy những tế bào trưởng thành lên bề mặt da. Khi các tế bào lên đến lớp trên cùng, chúng chết đi và bị tróc ra. Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường các tế bào da. Nguyên nhân chính là do da bị tổn thương bởi tia cực tím. Đây là một loại sóng ánh sáng phát ra từ ánh sáng mặt trời và thường được sử dụng trong các kỹ thuật làm sạm da (giường tắm nắng nhân tạo,…). Tia cực tím có thể xuyên qua da và làm tổn thương các tế bào, là nguyên nhân gây ung thư da cũng như các vết nhăn và nốt tàn nhang do tuổi tác.


Có 2 loại tia cực tím là A (UVA) và B (UVB). Tia UVA xuyên qua da sâu hơn tia UVB, do vậy sau một thời gian phơi nhiễm tia này, khả năng chống ung thư của da bạn sẽ bị suy yếu. Tia UVB, do xuyên qua da kém hơn, nên thường gây bỏng nắng và chịu trách nhiệm cho các ung thư lớp nông - ung thư tế bào sừng hoặc tế bào đáy. Ung thư tế bào hắc tố cũng có liên quan với tia cực tím. Các chuyên gia nhận thấy rằng, những người thỉnh thoảng tiếp xúc với ánh nắng gắt trong một khoảng thời gian ngắn hạn (như những người làm việc trong văn phòng thỉnh thoảng đi tắm nắng trên bãi biển vào những ngày nghỉ) có nguy cơ bị ung thư tế bào hắc tố rất cao so với các nông dân, công nhân làm đường hoặc những người thường xuyên làm việc dưới ánh nắng mặt trời nhiều giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên sự phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời thường xuyên không giải thích được một số trường hợp ung thư các vùng da ít tiếp xúc với ánh sáng, như lòng bàn chân chẳng hạn. Di truyền và gia đình cũng đóng một vai trò không nhỏ. Ngoài ra, đôi khi ung thư da còn do tiếp xúc quá thường xuyên với độc chất hoặc tia xạ. Hiện nay các trường hợp này cơ chế còn chưa được xác định.
Các dấu hiệu cảnh báo
 Dấu hiệu cảnh báo thường gặp nhất của ung thư da là một chỗ biến đổi bất thường của da, ví dụ như một vết loét đau, chảy máu, đóng mài trên bề mặt, lành rồi sau đó lại loét trở lại ngay vị trí này. Dấu hiệu đầu tiên thường gặp của ung thư tế bào hắc tố thường là sự biến đổi bất thường của một nốt ruồi có sẵn hoặc xuất hiện thêm những nốt ruồi mới đáng nghi ngờ.
 Một tế bào ác tính được tô màu và phóng to kích thước.
Thường ung thư da xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như: da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ. Tuy nhiên ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại, như lòng bàn tay, vùng gian ngón chân hoặc da vùng cơ quan sinh dục. Sang thương ung thư da có thể xuất hiện từ từ, phát triển chậm nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột.
Ba loại ung thư da thường gặp là ung thư tế bào đáy, tế bào sừng và tế bào hắc tố, trong đó phổ biến nhất là ung thư tế bào đáy và tế bào sừng. Cả hai loại này đều ở bề mặt, tốc độ phát triển chậm và khả năng chữa lành cao, nhất là khi được phát hiện sớm. Loại ung thư tế bào hắc tố nặng hơn, ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da và có nguy cơ di căn đến các mô khác cao nhất.
Hầu hết các ung thư da đều gây ra những biến đổi trên một vùng da khu trú. Do vậy, nếu chú ý, bạn có thể tự phát hiện sớm được những biến đổi đáng nghi ngờ và nên đến khám ở bác sĩ càng sớm càng tốt, không nên chủ quan hoặc để lâu vì nếu không được điều trị sớm, ung thư da ngày một phát triển, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng.
Ung thư da có thể phòng được
Hầu hết các loại ung thư da đều có thể phòng ngừa được. Bạn nên thực hiện theo một số biện pháp sau để duy trì sự khỏe mạnh của làn da:
Giảm thời gian phơi nắng: Tránh làm việc và tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu, gây bỏng nắng, sạm nắng,… Tránh phơi nắng nhiều trên bãi biển, hồ bơi,… đều phản xạ ánh nắng mặt trời. Tia cực tím thường mạnh nhất vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày. Các đám mây chỉ hấp thụ và che chắn một phần nhỏ các tia nguy hại này.
 Các nốt ruồi không điển hình phát triển bất thường có thể thành ung thư.
Nên dùng kem chống nắng : Trước khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, nên dùng kem chống nắng cho tất cả những vùng phơi sáng, kể cả môi, 30 phút trước khi ra nắng, rồi thoa lại sau vài giờ (nên thoa nhiều lần hơn nếu bạn đi bơi, tắm biển,…). Nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu thì kem chống nắng cũng không bảo vệ được da. Kiểm tra sức khỏe da thường xuyên: Ít nhất 3 tháng 1 lần nên kiểm tra da để phát hiện sớm những vùng da phát triển bất thường, các nốt ruồi thay đổi kích thước, tính chất,…
Nếu trong gia đình từng có người bị ung thư tế bào hắc tố, đồng thời bạn đang có nhiều nốt ruồi trên người, đặc biệt là ở cổ, bạn cần khám ở các chuyên gia da liễu theo định kỳ như sau: Nếu từ 20 - 39 tuổi: kiểm tra 3 năm 1 lần. Nếu từ 40 tuổi trở lên kiểm tra hàng năm.

(SKDS) - Da có nhiệm vụ che chở, bảo vệ cơ thể chống lại những tác động có hại cho cơ thể về sinh học, lý học, hóa học. Da làm nhiệm vụ hấp thu, dự trữ và chuyển hóa các chất, bài tiết các chất bảo vệ da, đào thải các chất độc, thu nhận cảm giác, điều hòa thân nhiệt, cân bằng nội môi.

Da có liên quan mật thiết với các bộ phận khác trong cơ thể, là nơi phản ánh tình trạng các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết, những biểu hiện nhiễm độc, nhiễm trùng và dị ứng. Khi da bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng. Ngược lại, khi chức năng da hoặc chức năng của các quan nội tạng bị rối loạn sẽ gây nhiều bệnh da khác nhau. Vì vậy, bệnh ngoài da là rất phổ biến, gặp ở mọi nơi, mọi người và mọi lứa tuổi.
Tác nhân gây bệnh phức tạp có thể do từ bên ngoài tác động vào (như mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc…), có thể do những rối loạn tiên phát (bẩm sinh) hoặc thứ phát (mắc phải) ở bên trong cơ thể sinh ra, cũng còn có nhiều bệnh da đến nay vẫn chưa xác định được căn nguyên. Nhiều bệnh da vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu như bệnh vảy nến, các bệnh da bọng nước tự miễn... Để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh ngoài da thì cần phải có chẩn đoán chính xác, lựa chọn các thuốc, các phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh cụ thể và từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh ngoài da bao gồm: điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân kết hợp với loại bỏ căn nguyên gây bệnh.
Có thể tạm chia thuốc điều trị bệnh da thành các nhóm chính: nhóm thuốc bôi tại chỗ, nhóm thuốc chống ngứa, nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc chống nấm, thuốc điều hòa ức chế miễn dịch, thuốc điều trị nguyên nhân, thuốc y học cổ truyền, ánh sáng trị liệu và nhóm các thuốc nâng cao thể trạng...

 Bôi thuốc ngoài da
Thuốc bôi ngoài da
Là loại thuốc rất cần thiết trong chuyên ngành da liễu vì hầu hết các bệnh ngoài da đều phải sử dụng. Thuốc bôi ngoài da rất phong phú đa dạng, có nguồn gốc khác nhau. Tác dụng điều trị của thuốc phụ thuộc rất nhiều vào các dạng thuốc. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần biết rằng thuốc không chỉ có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân và phải tuân thủ theo các nguyên tắc là: dùng thuốc khi đã được các thầy thuốc chẩn đoán xác định bệnh da; chỉ định các loại thuốc, dạng thuốc và cách dùng phải phù hợp với tình trạng của bệnh. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc bôi ngoài da vì có thể gây các biến chứng và hậu quả nguy hiểm. Các dạng thuốc bôi ngoài da  thường dùng: Thuốc kem (kẽm oxýt 10%...): thành phần gồm có 2 pha dầu và pha nước có tác dụng làm dịu da và bảo vệ da, thường được dùng trong giai đoạn bán cấp và trong thẩm mỹ.
Thuốc mỡ (salysilic 5%, Daivonex, Panoxyl 5-10…): là dạng thuốc bôi ngoài da phổ biến nhất, thành phần gồm pha dầu và hoạt chất. Thuốc mỡ làm mềm da, tăng khả năng hấp thu của da nhưng làm trở ngại bài tiết và gây bít da. Không dùng dạng thuốc mỡ khi thương tổn đang ở giai đoạn cấp tính hoặc chảy nước. Thường dùng dạng mỡ trong giai đoạn mạn tính.
Thuốc hồ (hồ Brocq, hồ nước, hồ tetraped…): tác dụng làm thoáng da nhưng không ngấm sâu bằng thuốc mỡ, làm giảm viêm, giảm sung huyết, chống ngưng tụ huyết, làm khô da, dùng cho thương tổn ở giai đoạn bán cấp.
Thuốc bột (bột talc…): có tác dụng làm dịu da, giảm viêm và khô da.
Dung dịch (Jarish, Lugol, Milian, Caslellani…): hoạt chất thường là các dung môi lỏng hoặc hoà tan trong nước. Có loại dung dịch trong nước và trong cồn. Dạng thuốc này có tác dụng nhất thời dùng trong giai đoạn cấp tính. Các dung dịch màu nên bôi vào buổi chiều tối, tránh nắng. Bởi vì, các hoạt chất màu dễ mẫn cảm với ánh sáng để trở thành chất cảm quang gây viêm da do ánh sáng.
Dạng gel (Metrogylgel, Erythrogel) dễ sử dụng, bôi nhanh khô tạo cảm giác dễ chịu.
Corticoids bôi ngoài da: Có rất nhiều chế phẩm chứa hoạt chất corticoid được sử dụng điều trị bệnh ngoài da.
Chỉ định corticoid bôi ngoài da phải dựa vào chẩn đoán, vị trí thương tổn, sự đáp ứng của bệnh da với thuốc và phải tuân thủ một số nguyên tắc chung: không lạm dụng chỉ định; dùng liều giảm dần, không dùng kéo dài. Khi dùng corticoid kéo dài sẽ xảy ra các tác dụng không mong muốn như: giãn mạch, đỏ da, nhiễm trùng, teo da, mọc lông. Đặc biệt dùng corticoid bôi vào những vùng da mỡ (mặt, lưng, ngực) gây mọc mụn trứng cá, viêm nang lông. Một số tác giả khuyến cáo nên hạn chế tối đa dùng corticoid tại chỗ vào vùng da mỡ. Đối với những vùng da này chỉ sử dụng thuốc bôi có corticoid khi thật sự cần thiết, nên dùng loại có tác dụng vừa và nhẹ, trong thời gian ngắn.
Chỉ định corticoid toàn thân điều trị bệnh da cần phải cân nhắc kỹ lợi/hại trước khi chỉ định và phải tính toán liều lượng sử dụng ban đầu thấp nhất có hiệu quả để có thể rút ngắn được quá trình giảm liều và ngừng thuốc, tránh tình trạng phụ thuộc thuốc. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, khi thuốc có tác dụng, bệnh giảm thì bắt đầu hạ liều từ từ. Không nên lạm dụng trong chỉ định, đặc biệt là sử dụng kéo dài corticoid bằng đường toàn thân sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.
Kháng histamin
Có các loại bôi tại chỗ, uống, tiêm. Các kháng histamin được sử dụng chống ngứa, chống dị ứng cho nhiều bệnh da. Hiện nay có 3 thế hệ kháng histamin H1 đang được sử dụng.
Kháng H1 thế hệ I có khả năng tan trong mỡ, xâm nhập được qua hàng rào máu não gây ức chế thần kinh trung ương nên có tác dụng an thần và buồn ngủ. Tác dụng không mong muốn gây mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ, ngủ gật, lú lẫn hoặc kích động ở người cao tuổi, khô mắt, khô miệng táo bón, keo dịch tiết phế quản, nhịp tim nhanh, rối loạn vận động, bí đái. Chống chỉ định trong những trường hợp glocom góc đóng, bí đái rối loạn niệu đạo, phụ nữ có thai và cho con bú, sơ sinh…, tương tác với rượi gây tăng tác dụng an thần. Kháng H1 thế hệ I có nhiều loại như: chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin, Brompheniramin, Diphenhydramin... Chỉ định kháng H1 thế hệ I điều trị các bệnh da dị ứng, ngứa và nên dùng vào buổi tối.
Kháng H1 thế hệ II và thế hệ III ít gây buồn ngủ. Các loại thuốc thế hệ II gồm: cetirizin, loratadin, acrivastin…; thế hệ III có: fexofenadin (Telfast), levocetirizin, desloratadin.
Cần sử dụng kháng histamin một cách hợp lý, chỉ định, phối hợp thuốc đúng sẽ đem lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh ngoài da.
Những lưu ý khi sử dụng kháng H1: đối với phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em và những bệnh nhân có các bệnh khác kèm theo thì cần phải cân nhắc lựa chọn loại kháng histamin tác động trên thụ thể H1 phù hợp với lứa tuổi, thời gian mang thai, tác dụng không mong muốn. Phải cân nhắc lợi/hại để hạn chế và tránh những tác dụng có hại có thể xảy ra cho bệnh nhân và thai nhi.
Các kháng histamin thường tương tác với rượu gây tăng tác dụng an thần. Cho nên khi sử dụng kháng histamin bệnh nhân không được uống rượu.
Thuốc chống nấm được chia làm 2 loại dùng tại chỗ và dùng đường toàn thân.
Thuốc chống nấm dùng toàn thân để điều trị các trường hợp nhiễm nấm sâu hoặc nhiễm nấm da lan tỏa, gồm các loại: thuốc chống nấm gốc azol (các dẫn chất của imidazol và triazol), griseofulvin, nystatin, amphotericin B.
Thuốc chống nấm tại chỗ (thuốc bôi) thường dùng cho những trường hợp nhiễm nấm nông khu trú ở da và niêm mạc như: hắc lào, lang ben, trứng tóc, tưa miệng...
Khi sử dụng các thuốc chống nấm đường toàn thân cần lưu ý tương tác của thuốc. Ví dụ: dùng các dẫn chất của imidazol thì không nên phối hợp với các thuốc kháng histamin H1 thế hệ II và III, các kháng sinh như rifampicin, isoniazid, bệnh nhân không nên uống rượu.
Thuốc y học cổ truyền
Có nhiều bài thuốc y học cổ truyền dùng điều trị một số bệnh da có hiệu quả. Tuy nhiên, có một số loại thuốc, bài thuốc đông dược, nam dược được truyền miệng, được đồn thổi tác dụng trong nhân dân. Những thuốc này thường không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả điều trị. Một số thầy lang đã áp dụng hoặc người bệnh tự động sử dụng các thuốc này điều trị bệnh ngoài da. Nhiều trường hợp đã làm bệnh nặng thêm hoặc gây những biến chứng nguy hiểm. Ví dụ: gây vảy nến thể mủ toàn thân hay gây đỏ da toàn thân ở bệnh nhân vảy nến thể thông thường, gây viêm da tiếp xúc kích ứng… Những trường hợp này điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Tóm lại bệnh da rất đa dạng, thuốc và các phương pháp điều trị bệnh da cũng rất phong phú. Vấn đề đặt ra là sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị như thế nào để bệnh chóng khỏi hoặc kiểm soát được các bệnh mạn tính nhằm kéo dài thời gian ổn định. Khi bị bệnh da, người bệnh cần đến thầy thuốc khám đề  được chẩn đoán chính xác. Thuốc sử dụng điều trị phải phù hợp với từng loại bệnh và phù hợp với giai đoạn tiến triển của bệnh; phải cân nhắc hiệu quả và sự an toàn của các loại thuốc cho từng đối tượng, chú ý đến tương tác của thuốc. Người bệnh phải tuân thủ những chỉ định điều trị của thày thuốc, phối hợp chặt chẽ và thường xuyên thông báo cho thày thuốc những diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị để thày thuốc có những điều chỉnh và tư vấn kịp thời.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

(SKDS) - Laser phát ra chùm ánh sáng đơn sắc và có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào  nguồn nuôi (nguồn cung cấp năng lượng ánh sáng) mà có các tên gọi khác nhau như laser CO2, laser YAG… Mỗi loại laser sẽ được ứng dụng cho mục đích điều trị khác nhau.

Laser trong y học:
Vào năm 1959, giáo sư Maiman ứng dụng laser đầu tiên vào y học với việc sử dụng laser Rubi có bước sóng 694nm để điều trị bớt máu. Sau khoảng hơn 2 thập kỷ, sự ứng dụng của laser argon trong điều trị thương tổn mạch máu và laser CO2 trong điều trị các thương tổn lành tính ở da đã trở thành kỹ thuật đi đầu trong lĩnh vực y học.
Da liễu là chuyên khoa đầu tiên được ứng dụng laser do khả năng đáp ứng tốt của da và có thể theo dõi được các đáp ứng đó một cách dễ dàng so với các cơ quan khác.
Ứng dụng laser trong điều trị da liễu:
Các loại laser công suất thấp:
Laser He-Ne có mầu đỏ, bước sóng 632,8nm, công suất 20-30mw. Laser hé-ne có tác dụng kích thích thực bào, giảm độc tính tụ cầu, tăng sinh tổ chức biểu mô, giảm phù nề, tăng hoạt tính các men tại chỗ. Nó được dùng chiếu ngoài để điều trị thương tổn viêm, loét mạn tính và quá trình liến sẹo như nhiễm trùng da có mủ, loét mạn tính, loét aphte, giảm đau sau zona, viêm thần kinh hay có thể được đưa vào trong lòng mạch nhằm làm biến đổi các tính chất nội môi trong lòng mạch để điều trị các bệnh vảy nến, xơ cứng bì, viêm mao mạch, viêm da cơ địa…
Laser bán dẫn (Laser diode Gali – arsenide): có bước sóng 820/890 nm với  công suất 4-15 mw cũng có tác dụng tương tự như laser He-ne, được dùng điều trị các thương tổn viêm loét, dùng trong châm cứu.
Laser công suất cao: Được chia làm 3 loại chính là laser điều trị thương tổn mạch máu, laser điều trị điều trị bớt sắc tố và laser bào mòn:

 Điều trị Laser CO2 cho bệnh nhân
Laser bào mòn: thường được sử dụng nhất là Laser CO2. Đây là loại laser được sử dụng rộng rãi nhất trong chuyên ngành Da liễu hiện nay. Laser này sử dụng hỗn hợp khí carbon dioxide (hoạt chất chính), N2 (làm tăng hiệu quả của laser) helium (chất trung hòa) làm môi trường hoạt chất phát ra chùm ánh sáng với bước sóng 10600nm, được hấp thu mạnh bởi nước. Nó làm bốc bay tất cả các tổ chức có nước mà không liên quan đến bản chất của thương tổn với công suất được dùng trong y học là 15 đến 100W.
Hiện nay, laser CO2 có 2 loại là:

Laser siêu xung và laser quét được dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ như trẻ hóa da, giảm nếp nhăn, điều trị sẹo... Loại laser này làm giảm tối đa tác dụng phụ do thương tổn nhiệt.
Laser sóng liên tục dùng điều trị các bệnh lý ở da như hạt cơm, sùi mào gà, u tuyến mồ hôi (hay còn gọi là mụn thịt), dày sừng da dầu, dày sừng ánh sáng..., ngoài ra còn được dùng trong phẫu thuật. Loại laser này có nhiều tác dụng do thương tổn nhiệt gây nên.
Laser siêu xung và laser quét được dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ như trẻ hóa da, giảm nếp nhăn, điều trị sẹo... Loại laser này làm giảm tối đa tác dụng phụ do thương tổn nhiệt.
Ngoài ra còn có laser Erbium:yttriumaluminum-garnet (Er:YAG): laser này phát ra chùm tia có bước sóng 2900 nm với xung ngắn nó giảm tác dụng không mong muốn của laser CO2 sóng liên tục nên có thể được dùng trong bào mòn sẹo trứng cá, lão hóa da... Để tăng hiệu quả cầm máu của laser này một hệ thống laser kết hợp giữa CO2 và Er:YAG được tạo ra. Tuy nhiên 2 loại laser ít được sử dụng hơn ở Việt Nam.
Laser không bào mòn: Laser điều trị các thương tổn mạch máu: có bước sóng từ 300 - 600nm được hấp thu chọn lọc bởi Oxyhémoglobin. Oxyhemoglobine và hemoglobin hấp thu chủ yếu ở bước sóng 320 - 1200 nm tập trung vào khoảng 477-600nm với 3 đỉnh hấp thu 418, 542, 577nm, 1 đỉnh nhỏ là 900 nm. Các laser này được chỉ định trong các trường hợp bớt rượu vang,  giãn mạch, u máu, đốm da do tổn hại ánh sáng, u hạt nhiễm khuẩn,  sẹo lồi/sẹo quá phát, trứng cá đỏ… Tác dụng của laser phụ thuộc vào bước sóng và xung: Laser sóng liên tục tốt với các thương tổn mạch máu nhỏ và nông. Laser xung ngắn tác dụng tốt với thương tổn mạch máu dưới 100μm. Laser xung dài tác dụng tốt với thương tổn mạch máu trên  100μm. Các loại laser thường được dùng là:
Laser màu xung (laser candela Flashlamps Pumped Dye/FLPD – Pulsed Dye Laser/PDL) có bước sóng 585nm và 595nm là loại laser đáp ứng tốt với bớt đỏ rượu vang, u mạch máu, sẹo quá phát, giãn mạch, trẻ hóa da đặc biệt có tác dụng tốt với các nếp nhăn quanh miệng và mắt. Laser này có tác dụng tốt với bớt rượu vang với giảm 50% trong lần điều trị đầu tiên.
Laser Nd: YAG (Neodymiom Ytlrium Alumium Garbet) có bước sóng 1064 có thể được chỉ định cho bớt rượu vang nhưng nguy cơ sẹo, laser  Nd: YAG – KTP (Potassium Titanyl Phosphate) có bước sóng 532 tác dụng tốt trên bớt đỏ rượu vang ít tác dụng trên tổ chức lành. Có 2 loại là laser sóng liên tục và Qswiched (xung). Trong đó thì  Qswiched giảm nguy biến chứng và tăng hiệu quả điều trị
Laser Argon có bước sóng 488-514 sóng liên tục. Laser màu Argon có bước sóng 577- 585 nm. Độ đâm xuyên là 1mm được dùng trong các thương tổn nông, các thương tổn mạch máu có đường kính 30-300 μm. Laser này không làm cho những thương tổn vùng môi trên và hàm vì thương tổn thường sâu. Laser màu.
Laser hơi đồng có bước sóng 578nm,  sóng liên tục được chỉ định trong các trường hợp tổn thương mạch nổi như bớt đỏ rượu vang dạng nốt, u hạt sinh mủ, dị dạng tĩnh mạch… Laser Bromua đồng có bước sóng 511nm (màu vàng), 578nm (màu xanh), sóng liên tục được dùng trong các giãn mao mạch hình nhện và nơ vi mạch.
Laser Krypton có bước sóng 521, 530, 565 nm có màu vàng sóng liên tục cũng được chỉ định trong giãn mao mạch…
Hiện nay, người ta sử dụng chủ yếu là các laser xung để điều trị các thương tổn mạch máu làm tăng tác dụng điều trị và giảm các biến chứng, loại ưu thế là PDL/FLPD, laser  Nd: YAG – KTP Qswiched. Đây cũng là hai loại laser đang được Bệnh viện Da liễu Trung ương sử dụng để điều trị các thương tổn mạch máu cho bệnh nhân.
Laser điều trị các thương tổn sắc tố: tác động vào đích điều trị là Melanin. Melanin hấp thu ở bước sóng 320-1500nm cao nhất là khoảng 600-1200nm. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào từng loại laser và loại thương tổn.
Thương tổn tăng sắc tố gồm 3 loại:
Tổn thương ở thượng bì: Nốt ruồi, dát cà phê sữa, tàn nhang, hạt cơm da dầu, dày sừng ánh nắng…
Tổn thương ở trung bì: Bớt Ota, Ito, xăm mình, tăng sắc tố sau gây xơ
Tổn thương tăng sắc tố hỗn hợp: bớt Becker, rám má, tăng sắc tố sau viêm…
Hiện nay, rám má vẫn là vấn đề khó khăn cho điều trị laser tăng sắc tố, cần phải kết hợp với các thuốc bôi. Bớt OTA (bớt xanh đen thường ở một bên mặt) được điều trị tốt bằng laser Q-switched ruby, YAG, Alexandrite.
Xăm mình cũng là vấn đề nhiều người quan tâm, vấn đề loại bỏ vết xăm không để lại sẹo cũng rất phức tạp đặc biệt đối với các loại hình xăm có nhiều màu sắc. Để đạt được kết quả tốt cần kết hợp nhiều loại laser với nhau như các loại Q-swiched tác dụng tốt với màu xanh đen, xanh đậm, laser Alexandrite, laser Ruby tác dụng tốt với màu xanh lá cây, FDPL đáp ứng tốt với màu đỏ, da cam.
Ngoài 3 loại laser công suất cao, hiện nay 2 công nghệ nữa cũng đang được sử dụng và ngày càng phát triển trong lĩnh vực chăm sóc da thẩm mỹ đó là:
IPL (Intense Pulsed Light) có phổ bước sóng từ 420-1200 nm được ứng dụng chủ yếu trong công nghệ triệt lông, điều trị trứng cá, trẻ hóa da…
RF (radiofrequence): không giống như laser hoặc công nghệ ánh sáng, RF tạo sóng siêu cao tần để tạo ra dòng nhiệt trong trung bì mà không gây hại cho thượng bì. RF có loại đơn cực thâm nhập sâu hơn và RF lưỡng cực hoặc đa cực tác dụng theo từng lớp nông. RF hiện nay được ứng dụng trong điều trị trẻ hóa, săn chắc da, săn chắc da sau hút mỡ, tạo dáng, làm nhẵn bề mặt da. Người ta còn kết hợp công nghệ này với IPL làm tăng hiệu quả làm đẹp.

(SKDS) - Dị ứng do nọc côn trùng có thể gặp ở nhiều mức độ khác nhau, thủ phạm chính là các loại côn trùng thuộc họ có cánh như các loại ong và kiến lửa, đôi khi có thể là các loại rận rệp. Các loại côn trùng này có khả năng đốt và đưa nọc của mình vào cơ thể người và động vật. Nọc của chúng thường có chứa nhiều loại men và protein nên có nguy cơ cao gây ra các phản ứng dị ứng.

Côn trùng đốt có nguy hiểm?
Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ bị đốt như sưng nề đỏ, ngứa và đau, những biểu hiện này thường tự biến mất trong vòng một vài giờ mà không để lại di chứng. Khoảng 10% trường hợp có phản ứng lan tỏa xung quanh vùng bị đốt với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức. Quầng đỏ này thường phát triển tối đa sau 2 ngày và tồn tại trong 7-10 ngày. Các phản ứng tại chỗ này không xảy ra theo cơ chế dị ứng mà do sự phóng thích trực tiếp histamine dưới tác dụng của nọc côn trùng. Biểu hiện phù nề này thường không nguy hiểm nhưng nếu xảy ra ở vùng đầu mặt cổ thì có thể gây chèn ép đường thở và nguy hiểm đến tính mạng.
 
Bên cạnh các phản ứng tại chỗ, trong khoảng 1-3% các trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng mang tính chất toàn thể như nổi mày đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, khó thở, thở rít, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng, trường hợp nặng có tụt huyết áp, choáng ngất, da tái lạnh... nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ở Mỹ, mỗi năm có ít nhất 40-50 người tử vong do bị côn trùng đốt gây sốc phản vệ. Các phản ứng dị ứng toàn thể do côn trùng đốt có thể xảy ra với một vết đốt duy nhất và thường từ lần đốt thứ hai trở đi, khi cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu kháng lại nọc côn trùng.

 Ong vò vẽ
Cách xử trí khi bị côn trùng đốt
Khi bị côn trùng đốt cần hết sức giữ bình tĩnh. Những phản ứng nhẹ tại chỗ thường tự biến mất sau vài giờ không cần điều trị. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa, vùng bị côn trùng đốt cần được rửa sạch và đảm bảo vệ sinh để tránh nguy cơ bội nhiễm, chườm lạnh để giảm phù nề. Nếu quanh vùng bị đốt có mang vòng hoặc nhẫn, cần tháo bỏ trước khi tình trạng sưng nề xuất hiện để tránh nguy cơ chèn ép. Nếu ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra bằng nhíp và tránh làm vỡ túi chứa nọc, điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt. Dùng các thuốc kháng histamin bôi tại chỗ (như kem phenergan) có thể giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa.
 
Một số chế phẩm bôi ngoài da có chứa corticosteroid và kháng sinh như cortibion (chứa dexamethasone và neomycine) cũng nên được sử dụng sớm do có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề và ngăn ngừa bội nhiễm. Các thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm có thể được sử dụng để giảm triệu chứng nếu điều trị tại chỗ không hiệu quả. Kháng sinh chỉ sử dụng trong một số ít trường hợp có bội nhiễm. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau một ngày vết đốt thường tạo thành một mụn nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
 Dị ứng da do côn trùng đốt
Phản ứng toàn thể:
Những phản ứng này bắt buộc phải được điều trị trong bệnh viện, trong đó adrenalin là thuốc không thể thiếu và nên được dùng sớm ngay khi có thể. Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mày đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Sử dụng sớm các thuốc kháng histamin H1 (như diphenhydramine, dimesrol) và corticosteroid (như methylprednisolon, hydrocortison...) đường uống hoặc tiêm truyền giúp giảm bớt triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Có thể sử dụng các thuốc kháng histamine H2 như ranitidine, famotidine hoặc cimetidine để phối hợp điều trị. Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như thở ôxy, dùng thuốc giãn phế quản, truyền dịch... là cần thiết trong các trường hợp sốc phản vệ. Thuốc kháng histamin và corticosteroid đường uống nên được tiếp tục sử dụng 3-5 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện để tránh nguy cơ các phản ứng dị ứng tái lại.
Các biện pháp phòng ngừa côn trùng đốt

Những người có tiền sử dị ứng hoặc đã từng bị dị ứng với nọc côn trùng cần hết sức thận trọng tránh xa các tổ ong, kiến lửa để tránh bị đốt. Khi đi ra ngoài hoặc làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất nên đi giầy, mặc áo dài tay tối màu, tránh mang các vật dụng có màu sắc sặc sỡ, không dùng các mỹ phẩm hoặc bày các đồ ăn, thức uống có mùi thơm quyến rũ côn trùng. Giảm mẫn cảm đặc hiệu là một phương pháp rất có hiệu quả để dự phòng các phản ứng dị ứng với nọc côn trùng, nhưng hiện nay mới chỉ có thể thực hiện được với một số loại nọc ong và kiến lửa.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

(SKDS) -  Viêm da do cây cỏ và ánh sáng  (còn gọi là “viêm da Berloque”) là một viêm da nhiễm độc ánh sáng do người bệnh “tiếp xúc” với những thực vật (cây cỏ) nhạy cảm ánh sáng kết hợp tia cực tím có bước sóng dài (UVA 320-380 m). Nguyên nhân là do trong các loài cây cỏ này có chứa chất tăng nhậy cảm ánh sáng (thúc đẩy cơ thể hấp thụ tia cực tím trong ánh sáng mà phát bệnh.

Một vài đặc điểm
 Tỉ lệ mắc bệnh chung là không rõ. Do furocoumarins được tìm thấy ở nhiều thực vật hoang dã và trong nước nên có thể nhiều người đã bị phơi nhiễm.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng, tuy nhiên cần lưu ý là ở trẻ nhỏ do biểu hiện trên da giống như vết bầm tím có dạng dấu vân tay hoặc ngón tay nên có thể bị nhầm lẫn với lạm dụng trẻ em.
Biểu hiện thế nào?
Bệnh có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh khác như viêm da cơ địa hoặc bỏng do hóa chất.
Viêm da do cây cỏ và ánh sáng có thể được chia thành 4 nhóm dựa trên cơ chế tác động của từng loại: viêm da dạng mày đay, viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da nhiễm độc ánh sáng.
 Khởi phát bệnh rất bất ngờ. Sau khi ăn hoặc tiếp xúc với một số loại rau như mùi tây, cần tây, rau cải, rau dền, rau cải dầu, rau chân vịt hoặc uống một số thuốc đông y như kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, bổ cốt chi... lại tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thấy xuất hiện viêm da.
Người mắc bệnh chủ yếu là nam, nữ thanh niên. Trẻ em ít khi mắc.
 Biểu hiện điển hình là đầu tiên thấy ngứa ngáy, khó chịu, sau đó ở những vùng hở như mặt, mu tay xuất hiện các ban đỏ bỏng rát. Các ban đỏ thường xuất hiện dần dần, chậm rãi (sau khoảng 24 giờ và đạt đỉnh vào khoảng 48-72 giờ). Các ban đỏ có thể ở mi mắt làm mắt không mở được, ở xung quanh miệng làm miệng khó há.
Từ các ban đỏ sẽ hình thành bọng nước, phỏng dộp, dần dần hoại tử. Sau một thời gian sẽ khô lại, bong vảy da.
Vị trí tổn thương: Phần lớn xảy ra ở vùng hở (thường là mu tay, cánh tay, mu chân, mặt) hoặc bất kì chỗ nào, nơi tiếp xúc với furocoumarins và vùng phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời.
 Hình dáng tổn thương: thường có hình ziczac hoặc thành vệt, thành dải. Đến giai đoạn muộn, sự xuất hiện tăng sắc tố theo hình dạng trên có thể là chứng cứ để chẩn đoán phytophotodermatitis.
Tiến triển: Nếu nhẹ, tổn thương thường ở mặt, khoảng 1 tuần thì khỏi. Nếu nặng, tổn thương có thể gặp ở nhiều nơi như cổ, chi trên, mu bàn tay...và phải 2-3 tuần, có khi lâu hơn mới khỏi.

 Umbelliferae là loại cây dễ gây bệnh.
Nguyên nhân
Loài cây phổ biến nhất gây phytophotodermatitis là họ cây Umbelliferae. Ngoài ra còn các loại thực vật khác là Rutaceae, họ Dâu tằm và Leguninosa.
 Các các chất làm tăng nhạy cảm ánh sáng chính được tìm thấy trong các loài thực vật này là furocoumarins bao gồm psoralens và 5-methoxypsoralens (5 MOP), 8-methoxypsoralens (8 MOP), angelicin, bergaptol và xanthotal.
Các loại thực vật tăng nhạy cảm với ánh sáng thường gặp là mùi tây (Cymopteris watsonii), parsnips (Pastinaca sativa), cần tây (Apium graveolens), và/hoặc cà rốt (Daucus carota), chanh, quýt, cam Bergamot, rau cải, rau dền, rau cải dầu, rau chân vịt, kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, bổ cốt chi...
Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân và mùa hè khi hàm lượng  furocoumarins cao nhất trong các cây cỏ và là thời gian người bệnh bị phơi nhiễm cao nhất với tia cực tím.
Chẩn đoán
 Chẩn đoán xác định: chủ yếu dựa vào lâm sàng
Chẩn đoán phân biệt: Viêm da tiếp xúc dị ứng; Viêm da tiếp xúc kích ứng; Bệnh bọng nước do thuốc; Herpes simplex; Sứa đốt; Porphiria Cutanee tarda; Bỏng nhiệt.
Điều trị
 Bệnh có thể hết nếu loại bỏ các yếu tố gây bệnh. Bệnh nhân nên tránh các cây cỏ có chứa furocoumarins
Tại chỗ.  Tổn thương cấp tính: đắp bằng gạc ướt, dung dịch nước muối sinh lí 9%0, dung dịch Jarish, thuốc làm dịu da và sát khuẩn. Nếu tổn thương nặng và phù nề, có thể bôi bằng thuốc có corticoid.

 Toàn thân. Kháng histamin nếu nặng, corticoid liều 10-20mg. Dùng kem chống nắng tia UV-A giúp ngăn chặn phản ứng phototoxic khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

(SKDS) - Bạch biến là tình trạng mất sắc tố làm da trắng hoàn toàn thành từng đốm, từng mảng khu trú hoặc rải rác toàn thân, do các tế bào sắc tố bị tiêu hủy và biến mất. Bệnh chiếm khoảng 1% dân số, gặp cả 2 giới nhưng có xu hướng nữ nhiều hơn nam. Bệnh có thể bắt đầu ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng hay gặp ở tuổi trẻ.

Vì sao bạch biến?
Xuất hiện bệnh trước 20 tuổi chiếm 50%. Cho đến nay, người ta vẫn chưa bết rõ được nguyên nhân gây bệnh. Có 3 giả thuyết được coi là tham gia vào cơ chế sinh bệnh bạch biến:
Thuyết tự miễn: có thể do rối loạn đáp ứng miễn dịch làm xuất hiện một số tế bào lympho hoạt hóa phá hủy một cách chọn lọc tế bào sắc tố. Nhưng cơ chế gây hoạt hóa các tế bào lympho này thì người ta không giải thích được.
Thuyết thần kinh: dựa vào sự tương tác của tế bào sắc tố và tế bào thần kinh.
Thuyết tự phá hủy: người ta cho rằng tế bào sắc tố tự phá hủy bởi chất độc được tạo ra trong quá trình tổng hợp sắc tố bình thường.
Liên quan đến gia đình (di truyền): nghiên cứu trong gia đình người bị bạch biến, khoảng 30% bệnh nhân thấy trong gia đình cũng có người thân bị bạch biến.
Các yếu tố khác: sang chấn tâm lý, tác động của hoá chất, rối loạn chức năng một số phủ tạng… có thể cũng là những điều kiện thuận lợi để xuất hiện thương tổn bạch biến.

 Tổn thương bạch biến
Biểu hiện bệnh
Thương tổn bệnh bạch biến đặc trưng là những mảng da màu trắng sữa, rải rác khắp cơ thể, có hình dạng và kích thước khác nhau. Bờ thương tổn giới hạn rõ, thường ngoằn ngoèo không đều, đôi khi có màu sẫm hơn. Soi đèn Wood sẽ thấy da thương tổn bị mất melanin. Mặt thương tổn bằng phẳng với da lành, không có vảy, không thâm nhiễm, không dày sừng, không teo da, có thể trắng đều hoặc còn những chấm màu nâu.
Khởi đầu có thể thấy một hoặc nhiều thương tổn, thường khu trú ở những vùng hở. Khi có nhiều thương tổn thì thường được phân bố ở cả hai bên cơ thể, đôi khi có tính chất đối xứng. Kích thước thương tổn lúc đầu nhỏ dạng chấm trắng, sau đó liên kết lại với nhau thành đám, thành mảng lớn. Lông, tóc tại vùng bị bệnh thường cũng có màu trắng.
Vị trí thương tổn hay gặp ở một số vùng da của cơ thể như: vùng da bình thường có tăng sắc tố (hố nách, cơ quan sinh dục ngoài), vùng hở tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, vùng quanh các hốc tự nhiên, chỗ xương lồi ra (đầu gối, mào xương chày, mắt cá, gai chậu, quanh các nốt ruồi, bớt, vùng da thường xuyên bị cọ xát (quai áo lót, thắt lưng, vết bỏng) gọi là hiện tượng Köbner. Thương tổn ở niêm mạc, lòng bàn tay, bàn chân hay gặp ở người có màu da đậm. Có thể gặp thương tổn ở da đầu nhưng được che lấp bằng một đám tóc trắng.
 Tiến triển của bệnh không theo quy luật, thường mạn tính dai dẳng trong nhiều năm, có những đợt tăng lên vào mùa hè và giảm đi vào mùa đông. Khoảng 15-30% bệnh nhân bệnh khỏi.
Trị bệnh bạch biến
Mục tiêu điều trị chủ yếu là nhằm cải thiện hình thức, khôi phục màu da bị tổn thương hoặc làm cho da có màu đồng đều bằng cách phá hủy sắc tố còn lại. Thời gian điều trị thường lâu, kéo dài từ 6 tháng đến một năm hoặc nhiều năm. Vì vậy, người bệnh phải kiên trì phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để điều trị.
Các phương pháp điều trị bệnh bạch biến hiện nay gồm: dùng thuốc toàn thân hay tại chỗ phối hợp với trị liệu ánh sáng, phẫu thuật ghép da, cấy tế bào sắc tố và các liệu pháp phối hợp (được sử dụng cùng với phương pháp điều trị phẫu thuật hoặc thuốc):
Corticoid: dùng tại chỗ có tác dụng phục hồi lại sắc tố cho da, đặc biệt được sử dụng ngay khi bệnh mới xuất hiện. Tuy nhiên, khi sử dụng các corticoid tại chỗ lâu dài có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Corticoid tại chỗ có thể sử dụng phối hợp với psoralen (Meladinine) tại chỗ sẽ phát huy được tác dụng hiệp đồng và hạn chế được tác dụng không mong muốn của mỗi loại thuốc khi dùng đơn độc. Một số công trình nghiên cứu sử dụng corticoid toàn thân liều thấp phối hợp với bôi meladinine cũng thấy có kết quả.
Psoralen: là một loại thuốc có tính chất cảm quang, được sử dụng phổ biến và có hiệu quả điều trị bệnh bạch biến và một số bệnh da khác. Psoralen có dạng bôi và dạng uống. Tùy theo mức độ của của thương tổn có thể dùng bôi hoặc uống hoặc phối hợp với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là phối hợp với phơi nắng mặt trời hoặc chiếu tia cực tím, được gọi là trị liệu psoralen kết hợp với tia cực tím bước sóng A (PUVA).
 Trị liệu PUVA: sau khi uống hoặc bôi psoralen thì phơi nắng mặt trời hoặc chiếu tia cực tím A (UVA) theo một chỉ định về thời gian hết sức nghiêm ngặt và được thầy thuốc theo dõi chặt chẽ để đề phòng những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Uống psoralen kết hợp với chiếu tia cực tím A thường được sử dụng cho những bệnh nhân có diện thương tổn rộng (hơn 20% diện tích cơ thể) hoặc cho những người không đáp ứng với liệu pháp PUVA tại chỗ. Psoralen đường uống không nên dùng cho trẻ em dưới 10 tuổi bởi vì nó làm tăng nguy cơ tổn thương mắt như đục thủy tinh thể. Đối với trị PUVA uống thì phải uống psoralen khoảng 2 giờ trước phơi nắng mặt trời hoặc chiếu UVA, điều trị hai hoặc ba lần một tuần, không bao giờ điều trị 2 ngày liên tiếp.
Tác dụng không mong muốn của psoralen đường uống là gây cháy nắng, buồn nôn và nôn, ngứa, tóc tăng trưởng bất thường và tăng sắc tố. Liệu pháp PUVA cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da, mặc dù nguy cơ là tối thiểu ở liều sử dụng cho bạch biến.
Tacrolimus (Talimus, Rocimus, Protopic): thuốc bôi thuộc nhóm ức chế bơm canxi. Thuốc phát huy tác dụng điều trị bệnh bạch biến khi kết hợp với phơi nắng hoặc chiếu UVB.
Các thuốc điều trị tại chỗ khác: một số báo cáo cho thấy một số đồng đẳng của vitaminD3 (Daivonex) cũng có tác dụng điều trị bệnh bạch biến.
Làm mất sắc tố da: là sử dụng các phương pháp làm mờ phần da bình thường còn lại trên cơ thể để phù hợp với màu da ở vùng thương tổn đã bị trắng. Áp dụng cho những người bị bạch biến trên 50% diện tích da của cơ thể. Bôi kem 20% monobenzylether của hydroquinon (monobenzone) hai lần một ngày vào các vùng sắc tố cho đến khi chúng có màu phù hợp với màu da bệnh. Cần phải tránh tiếp xúc trực tiếp da với da của người khác ít nhất 2 giờ sau khi bôi thuốc. Bởi vì, thuốc có thể lan sang gây mất sắc tố da của họ. Tác dụng phụ chủ yếu của trị liệu mất sắc tố da là gây viêm da (tấy đỏ và sưng), có thể ngứa hoặc da khô. Trị liệu làm mất sắc tố có xu hướng tồn tại vĩnh viễn và không dễ phục hồi lại được. Ngoài ra, một số người sẽ bị bất thường nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
Phẫu thuật: cắt bỏ thương tổn hoặc cấy ghép da tự thân. Tuy nhiên, điều trị phẫu thuật chỉ thực hiện được ở những cơ sở có đủ điều kiện về vật chất, trang thiết bị và có đội ngũ cán bộ y tế với trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong tương lai, việc nuôi cấy tế bào sắc tố da có thể được triển khai áp dụng để điều trị bệnh bạch biến. Hy vọng phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao.
Hóa trang: có thể sử dụng một số loại mỹ phẩm hoặc màu để ngụy trang những đám thương tổn bạch biến, một giải pháp tạm thời để giải quyết vấn đề thẩm mỹ khi cần thiết cho bệnh nhân.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh bạch biến. Nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm bằng những phương pháp phù hợp thì bệnh sẽ được cải thiện, nhiều trường hợp khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, khi điều trị bệnh nhân phải kiên trì, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để theo dõi diễn biến của bệnh và phòng tránh những tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị. 

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

(SKDS) - Có nhiều nguyên nhân làm rụng tóc: do thiếu dinh dưỡng, bị stress, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, cường tuyến giáp, do chăm sóc tóc không tốt (dùng dầu gội không đúng làm tóc dễ gãy, dễ nứt vỡ, đứt; có tật nhổ tóc, thắt bím tóc quá chặt, uốn tóc bằng lược, sức nóng; nhuộm tóc bằng hóa chất, chải tóc quá nhiều bằng lược cứng....).
Sẹo lồi là gì?
Sẹo lồi (keloid) là sự phát triển quá mức của tổ chức xơ sau tổn thương da. Nó phát triển không ngừng, thường nổi cao trên mặt da và lan rộng ra ngoài ranh giới của sẹo, không bao giờ giảm theo thời gian, màu hồng hoặc tím, bề mặt nhẵn, cảm giác thường ngứa, đôi khi đau khi chạm vào sẹo. Cần phân biệt với sẹo phì đại ở những điểm sau: sẹo phì đại phát triển ngay sau khi chấn thương nhưng chỉ giới hạn trong ranh giới của sẹo, thường dừng phát triển và giảm sau 1 – 2 năm. 
Nguyên nhân gây ra sẹo lồi hiện nay vẫn chưa rõ. Một số tác giả đặt ra giả thuyết do sự thay đổi tín hiệu tế bào kiểm soát phát triển và tăng sinh tổ chức, mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hóa trong tiến trình lành vết thương.
Sẹo lồi có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp ở những vùng da căng, cử động như ngực, lưng, bả vai và cũng có thể ở những vùng ít di động và ít sức căng như dái tai. Thường sẹo lồi ít gặp ở người già và trẻ em, người có da sẫm mẫu dễ bị hơn là người da trắng.

 Phẫu thuật thẩm mỹ điều trị sẹo lồi
Điều trị như thế nào?
Hiện nay, điều trị sẹo lồi vẫn còn là vấn đề nan giải của y học cũng như ngành Da liễu vì tỷ lệ đáp ứng điều trị thấp và tỷ lệ tái phát cao. Không có một phương pháp điều trị đơn độc nào tốt nhất cho sẹo lồi. Nhiều phương pháp điều trị được áp dụng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào hoàn thiện, điều trị khỏi hoàn toàn sẹo lồi. Do vậy, điều trị dự phòng sẹo là vấn đề cốt lõi.
Các phương pháp được áp dụng điều trị sẹo lồi hiện nay bao gồm:

Sẹo lồi có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp ở những vùng da căng, cử động như ngực, lưng, bả vai và cũng có thể ở những vùng ít di động và ít sức căng như dái tai. Thường sẹo lồi ít gặp ở người già và trẻ em, người có da sẫm mẫu dễ bị hơn là người da trắng.
• Dự phòng là nguyên tắc đầu tiên trong điều trị sẹo lồi. Tránh phẫu thuật thẩm mỹ trên những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi, đặc biệt là vùng giữa ngực. Giảm thiểu sức căng tại vết mổ nhiều nhất nếu có thể. Cố gắng đưa vết mổ theo nếp da và tránh nhiễm trùng vết mổ.
• Tiêm corticosteroid nội thương tổn: Thuốc được dùng là triamcinolone acetonide. Phương pháp này đơn giản, tương đối an toàn và hiệu quả. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp là teo da tại vùng tiêm, dãn mạch, mọc lông, trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, mất sắc tố không hồi phục… Khi tiêm cần chú ý tiêm vào trong sẹo, không được tiêm vào vùng tổ chức da lành để hạn chế các biến chứng do thuốc. Có thể dùng tiêm nội sẹo đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật lạnh, phẫu thuật cắt bỏ, 5FU, băng ép hoặc dán silicon…
• Phẫu thuật lạnh (Cryotherapy):  Làm lạnh thương tổn bằng ni tơ lỏng, gây tổn thương các mạch máu và teo biến, phá hủy tổ chức xơ, collagen làm cho tổ chức xẹp xuống. Biện pháp này hiệu quả, ít biến chứng, hiện đang được dùng ở Bệnh viện Da liễu Trung ương. Cần chú ý thời gian đóng băng không quá 25 giây để tránh biến chứng mất sắc tố. Không được áp lạnh quá giới hạn sẹo vì có thể làm sẹo rộng ra do làm tổn thương tổ chức lành. Qui trình thường phải làm từ 3-10 lần, mỗi lần cách nhau từ 3-4 tuần. Có thể kết hợp với tiêm corticosteroid làm tăng tỉ lệ đáp ứng điều trị lên đến 84%. Tuy nhiên, khi kết hợp 2 phương pháp này, có thể gặp nguy cơ loét lâu lành tại tổn thương.
• Phẫu thuật: Cắt bỏ thương tổn thường cần kết hợp với các biện pháp khác để tránh tái phát như tiêm corticosteroid trước, sau phẫu thuật, băng ép, dán silicon, bôi imiquimod… Có nhiều kỹ thuật cắt bỏ được đề nghị như phẫu thuật vạt da xẻ đôi, cắt để lại ranh giới sẹo. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế với tỷ lệ đáp ứng khoảng từ 50 – 80% và phẫu thuật chỉ áp dụng cho một số trường hợp nhất  định.
• Laser:  Laser màu xung (PDL-pulsed dye laser) có tác dụng làm giảm kích thước và xẹp sẹo, giảm màu đỏ của sẹo do tác động phá hủy các mạch máu, nhưng giá thành đắt. Việc phối hợp corticosteroid tiêm nội thương tổn cho kết quả khả quan hơn. Laser Nd: YAG (neodymium; yttrium-aluminum-garnet) cũng có tác dụng nhất định trong việc làm mềm sẹo, giảm kích thước nhưng còn ít nghiên cứu đánh giá hiệu quả lâu dài. Các loại laser khác ít kết quả hoặc có khi làm tăng kích thước sẹo như laser argon chỉ có tác dụng giảm ngứa, laser CO2 tái phát cao 40-90% chỉ có tác dụng bào mòn sẹo để áp dụng các biện pháp tránh tái phát khác.
• Xạ trị: Có thể kết hợp với phẫu thuật, nhưng hiệu quả thấp tùy nghiên cứu có thể tái phát 100%, đồng thời một nguy cơ khiến cho phương pháp này hiện nay ít dùng đó là xuất hiện ung thư tế bào vảy ở da tại điểm điều trị sau 15-30 năm. Phương pháp này không được áp dụng cho trẻ con. Trong một số nghiên cứu cho thấy chiếu từng đợt ngắn liều cao 1200 Gy trong vòng 24 giờ đầu sau phẫu thuật cho hiệu quả tốt với tỷ lệ tái phát 4,7%.
Ngoài ra có thể dùng một số phương pháp vật lý như: Băng ép, thắt sẹo, vải băng ép…
• Các trị liệu mới: Là những trị liệu mới ứng dụng, cho một số kết quả khả quan nhưng cần nghiên cứu thêm bao gồm:
Bevacizumab: Là một chất ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF):
Liệu pháp ánh sáng: Quang động lực (photodynamic therapy/PDT), UVA-1, UVB dải hẹp bước sóng 340-400nm giúp dự phòng sẹo lồi do giảm tế bào mast.
Etanercept: Ức chế TNF và TGF-beta3.
Quercetin: một flavonol, có tác dụng ức chế sự phát triển các nguyên bào sợi quá thừa trong sẹo.
Prostaglandin E2 (Dinoprostone) phục hồi sự sửa chữa vết thương bình thường.
Chất tẩy màu mạnh do quan sát thấy sẹo lồi không gặp ở bệnh nhân bị bạch tạng và ít gặp sẹo lồi ở những bệnh nhân da trắng.
Chất ức chế tế bào mast.
Liệu pháp gene.

Như vậy, sẹo lồi có thể coi là một  tổn thương lành tính về mặt khoa học, nhưng thường ác tính về mặt tâm lý và xã hội. Sẹo lồi đặt ra một thách thức lớn cho bác sĩ điều trị vì tỉ lệ tái phát cao và thường  không đáp ứng với điều trị. Có nhiều biện pháp điều trị nhưng cho đến nay không có một liệu pháp duy nhất nào đạt hiệu quả 100%. Vì vậy, cần phải nghiên cứu tiếp về điều trị sẹo lồi.

Pellagre là bệnh ngoài da gây nên do rối loạn chuyển hoá vitamin PP. Bệnh thường xuất hiện ở vùng hở, nặng lên vào mùa xuân hè thuyên giảm vào mùa đông. Bệnh không tự khỏi nếu không được điều trị, ngoài tổn thương ở da còn tổn thương nội tạng như tiêu hoá, thần kinh và trường hợp nặng có thể gây tử vong.


Bệnh pellagre do rối loạn chuyển hoá vitamin PP (thường là do thiếu vitamin PP), nguyên nhân thiếu vitamin PP rất đa dạng. Có thể do một trong những nguyên nhân sau:
Ăn chế độ ăn ngô hoặc lúa miến nguyên chất (không chế biến hoặc chỉ ăn ngô và ăn lúa miến mà không ăn thêm các loại ngũ cốc khác); Rối loạn hấp thụ của cơ quan tiêu hoá. Trường hợp này ngoài thiếu  vitamin PP còn kèm theo thiếu các vitamin nhóm B khác như B1, B2, B6... Rối loạn chuyển hoá acid amin tryptophan. Ăn chế độ ăn hoàn toàn bằng rau; Do thuốc: Một số thuốc làm ảnh hưởng tới chuyển hoá và hấp thụ vitamin PP như rimifon, sulfamid, thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm hoặc do khối u ác tính.
Chẩn đoán
Thương tổn da:
Bắt đầu là một đám dát đỏ giới hạn rõ rệt. Trên dát đỏ có vảy da, có khi có bọng nước, mụn nước. Nếu thương tổn mới phát, da vùng bị bệnh sẽ phù nhẹ, dần dần da trở nên khô dày và sẫm màu. Bệnh nhân có cảm giác ngứa, nóng ở vùng thương tổn. Thương tổn có tính chất đối xứng.
Vị trí:Các thương tổn có ranh giới rõ rệt, khu trú ở vùng hở (vùng bị ánh sáng mặt trời chiếu vào).Ngoài các vị trí hay gặp nói trên, bả vai cánh tay, khuỷu tay, đầu gối cũng bị thương tổn (các thương tổn này thường gặp ở bệnh nhân mặc quần đùi áo may ô).
Thương tổn niêm mạc:
Hồng ban dạng Pellagre: Đây là bệnh pellagre không điển hình, các biểu hiện lâm sàng chủ yếu xuất hiện trên da. Thương tổn cơ bản là da đỏ, bong vảy da. Bệnh khu trú ở vùng tiếp xúc với ánh nắng (vùng hở). Nếu không chữa bệnh sẽ chuyển sang bệnh pellagre thật sự.
Thương tổn nội tạng:
Cơ quan tiêu hoá: Tiêu chảy là triệu chứng thường gặp của bệnh pellagre. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như chán ăn, buồn nôn, đôi khi có rối loạn chức năng gan. Các triệu chứng rối loạn tiêu hoá thường xuất hiện trước khi có thương tổn da.
Thần kinh: Bệnh nhân thường đau đầu, chóng mặt, đau các dây thần kinh ngoại biên, giảm trí nhớ, có khi có dấu hiệu thiểu năng tinh thần, rối loạn thị giác.

Để chẩn đoán xác định
Dựa vào tổn thương da, niêm mạc, tiêu hoá, thần kinh như mô tả ở trên. Thương tổn da khu trú ở vùng hở. Bệnh xuất hiện và nặng lên vào mùa hè. Điều trị thử bằng vitamin PP thấy bệnh giảm rõ rệt. Định lượng nồng độ vitamin PP  trong máu giảm. Mô bệnh học.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm da tiếp xúc:
Một số hoá chất nhất là hoá chất bay hơi gây ra viêm da tiếp xúc ở vùng hở, chẩn đoán dựa vào tiền sử tiếp xúc với hoá chất. Diễn biến bệnh cấp tính, bệnh có thể xuất hiện vào bất kỳ lúc nào nếu tiếp xúc với hoá chất gây dị ứng. Loại bỏ hoá chất gây dị ứng bệnh sẽ khỏi.
Lupus ban đỏ:
Ban hình cánh bướm, tăng nhạy cảm ánh nắng, ban đỏ hình đĩa, đau khớp, loét niêm mạc, biểu hiện tâm thần kinh, tổn thương thận, máu giảm một hay cả ba dòng, tràn dịch đa màng, biến đổi miễn dịch, kháng thể kháng phospholipid. Nếu có 4 trên 11 tiêu chuẩn thì chẩn đoán là lupus.
Viêm da do ánh nắng:
Bệnh phát vào mùa xuân hè, có yếu tố cảm quang ở trong các lớp biểu bì da, nếu loại bỏ các chất cảm quang này và hạn chế ra nắng bệnh giảm hay khỏi hoàn toàn.
Điều trị
Thuốc dùng ngoài:
- Thuốc bong vảy, mỡ acid salicylic.
- Kem kẽm.
- Kem chống nắng.
Thuốc dùng trong:
- Vitamin PP là thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này. Nếu điều trị bằng vitamin PP (nicotinnamid) mà không khỏi thì không phải là bệnh pellagre.
- Lưu ý:  Phải uống thuốc sau khi ăn no. Thuốc có thể gây dị ứng.
- Nên cho thêm vitamin B1, B2, B6.
- Điều trị bằng vitamin PP thương tổn da sẽ giảm và mất đi nhanh nhất và trước nhất. Các dấu hiệu rối loạn thần kinh và rối loạn tiêu hoá sẽ giảm và mất đi sau.
 Tiên lượng: Bệnh thường xuất hiện và nặng lên vào mùa hè. Mùa đông giảm đi chứ không khỏi hẳn. Nếu không được điều trị bệnh tiến triển càng ngày càng nặng. Da dần dần thâm, khô, dày, bong vảy liên tục. Các biểu hiện nội tạng sẽ nặng dần lên nhất là rối loạn tiêu hoá và đau dây thần kinh ngoại biên. Một số trường hợp nặng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Phòng bệnh
Nên ăn các loại ngũ cốc khác nhau tránh chỉ ăn hai loại ngũ cốc là ngô và lúa miến đơn thuần.

(SKDS) - Rám má là một bệnh da với biểu hiện tăng sắc tố, thường xuất hiện ở mặt nhất là hai bên gò má, bệnh có cả ở hai giới, nhưng phụ nữ gặp nhiều hơn, bệnh tuy lành tính, không gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tính sinh lý và thẩm mỹ của người bệnh đặc biệt là phụ nữ.

Vì đâu nên nỗi?
Rám má là bệnh da do rối loạn chuyển hóa sắc tố Melanin ở da đặc biệt là ở số lượng tế bào của thượng bì. Ở những người bị bệnh rám má số lượng tế bào sắc tố hoàn toàn bình thường, nhưng do rối loạn nội tiết tố đặc biệt là estrogen làm cho tế bào sắc tố tăng cường sản xuất ra sắc tố melanin và các sắc tố này được  tăng cường vận chuyển sang các tế bào thượng bì vì vậy làm tăng sắc tố của da. Bên cạnh đó các đại thực bào cũng di chuyển lên thượng bì và thực bào các sắc tố sau đó di chuyển và khu trú  ở trong, thậm chí cả dưới hạ bì. Chính vì thế trên lâm sàng vừa có rám má khu trú ở trung bì vừa có rám má khu trú ở cả trung bì và thượng bì hay còn gọi là rám má hỗn hợp.
 
Chính vì lẽ đó người ta cho rằng rám má là một bệnh da tăng sắc tố có nguyên nhân là do nội tiết. Do vậy bất kể nguyên nhân nào ảnh hưởng tới nội tiết của cơ thể đều có thể làm phát sinh rám má, đặc biệt các nội tiết tố sinh dục như: Androgen, estrogen, progesteron,…ngoài ra một số loại hormon khác cũng có thể làm phát sinh bệnh như hormon tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên….
Ngoài ra có một số yếu tố thuận lợi làm phát sinh bệnh như: Uống thuốc tránh thai, viêm nhiễm cấp hay mạn tính, hay gặp trong viêm xoang, viêm phần phụ,... chửa đẻ, nghề nghiệp nhất là những người làm nghề có liên quan đến dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu những người sản xuất và sử dụng nhiều nước hoa.

 Nám má do rối loạn nội tiết tố
Các loại rám má
Lâm sàng: Các dát tăng sắc tố màu nâu, nâu đen, xanh đen.
Màu sắc có thể đồng đều có thể không, ranh giới tổn thương thường không đều và thường có tính chất đối xứng, tổn thương nhẵn, không có vảy, không ngứa, không đau. Tổn thương thường khu trú ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng. Đôi khi tổn thương còn xuất hiện ở cánh tay trên. Các dát sắc tố này tăng đậm về mùa xuân hè, có giảm về mùa thu đông. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi hai mươi nhất là tiền mãn kinh nhưng đôi khi tổn thương xuất hiện trước cả khi dậy thì và những người tận đến 50-60 tuổi mới xuất hiện.
Dựa vào mức độ tăng sắc tố và diện tích tổn thương người ta chia rám má thành các thể lâm sàng khác nhau:
Thể nhẹ: Tăng sắc tố nhẹ và tổn thương khu trú ở hai bên gò má.
Thể trung bình:  Tăng sắc tố đậm hơn, tổn thương khu trú hai bên gò má, bắt đầu lan ra các vị trí khác.
Thể nặng: Tăng sắc tố đậm, tổn thương lan rộng ra cả thái dương, trán hoặc mũi.
Thể rất nặng: Tăng sắc tố rất đậm, tổn thương lan rộng ngoài mặt còn có thể xuất hiện ở cánh tay trên.
 Cách chữa
 Nguyên tắc điều trị:
Điều trị nguyên nhân nếu có thể, kết hợp với phòng tái phát và bằng thuốc bôi và thuốc uống.
Điều trị nội khoa kết hợp với Laser hay các nghiệm pháp ứng dụng công nghệ cao như tế bào gốc…
Điều trị tại chỗ:
Cơ chế bôi đơn thuần bằng các thuốc giảm sắc tố da hay  kết hợp với vitamin A-acid , kem chống nắng hay mỡ corticoid.
Lưu ý: Trường hợp nhẹ chỉ cần bôi thuốc giảm sắc da đơn thuần  vào buổi tối trước khi đi ngủ 1 lần.
Trường hợp trung bình, nặng: Ta nên phối hợp 1 hoặc 2 loại  thuốc có thể là thuốc giảm sắc tố da với kem chống nắng hoặc vitamin A-Acid hay mỡ corticoid.
Chú ý: Bôi kem chống nắng phải bôi 30 phút trước khi ra nắng, kể cả hôm trời râm, bôi mỡ corticoid chỉ dùng không quá 10 ngày.
Nếu có tác dụng phụ ngừng ngay thuốc để điều chỉnh phác đồ.
Không dùng thuốc bôi cho các trường hợp rám má ở trung bì. Rám má thể rất nặng: Ta có thể kết hợp bôi thuốc với sử dụng phương pháp khác như chiếu tia Laser hồng ngọc hay liệu pháp ứng dụng công nghệ tế bào gốc,…
Toàn thân:
Cho một loại kháng sinh phổ rộng. Uống vitamin nhóm B liều cao kéo dài 20 ngày đến 1 tháng. Vitamin C, L cystein… hỗ trợ.
Phòng ngừa bệnh

Để tránh bệnh tái phát cần bảo vệ bằng đội mũ rộng vành, đeo kính, áo dài khi ra nắng. Bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời 30 phút. Tính tái phát: Không sử dụng thuốc tránh thai. Điều trị các ổ viêm nhiễm. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe- phát hiện các rối loạn nội tiết trong cơ thể để chỉnh kịp thời.  Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, bia rượu nhiều, không hút thuốc lá, ăn nhiều hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin và khoáng chất. Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, các chất tẩy rửa ở mặt.
Design by Hao Tran | Blogger Theme by Sức khỏe sinh sản -